- Trả lời ĐB Đàng Thị Mỹ Hương, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định việc thi tốt nghiệp theo cách cũ khiến học sinh vừa học vừa chờ môn thi. Để khắc phục, đến 31/3 hàng năm Bộ mới công bố các môn thi còn lại để đề phòng việc học không ổn khi "trò đối phó với thầy, thầy đối phó với hiệu trưởng, hiệu trưởng lại đối phó với Sở, Bộ".


Đổi mới thi cử

Chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT sáng nay, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) nêu: Thực hiện nghị quyết 29 về quản lý GD-ĐT, Bộ đã chọn khâu thi cử là khâu đột phá. Có dư luận cho rằng đây chỉ là phần ngọn còn đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học mới là phần gốc. Vì sao chưa đổi mới chương trình SGK đã đổi mới thi cử?

XEM CLIP: 


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: Thi cử và việc dạy việc học có quan hệ tác động lẫn nhau.

Thi tốt nghiệp PTTH vừa rồi có những thay đổi căn bản, từ chỗ trước đây kiểm tra kiến thức học thuộc lòng nay kiểm tra kiến thức vận dụng, khả năng tổng hợp giải quyết vấn đề. Từ chỗ từng bài học một đến chỗ tổng hợp kiến thức của cả khóa học và kiến thức xã hội, bao gồm kiến thức chính trị, xã hội và đạo đức công dân.

"Kết quả thi tốt nghiệp vừa rồi cho phép và hình dung được việc phải thay đổi dạy và học thế nào, chuyển từ việc dạy và học theo lối truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển kỹ năng phẩm chất", Bộ trưởng nói.

Trả lời ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về  đổi mới trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua (rút còn 4 môn), ông Phạm Vũ Luận khẳng định việc thi tốt nghiệp theo cách cũ khiến các môn nằm trong diện phải lựa chọn thì các cháu vừa học vừa chờ đợi. Để khắc phục việc này, đến 31/3 hàng năm Bộ mới công bố các môn thi còn lại để đề phòng việc học không ổn khi trò đối phó với thầy, thầy đối phó với hiệu trưởng còn hiệu trưởng lại đối phó với Sở, Bộ.

Về việc có tiến tới 1 kì thi không, Bộ trưởng GD khẳng định là việc thay đổi kì thi tốt nghiệp năm nay nằm trong lộ trình tiến tới một kì thi quốc gia để đánh giá việc tốt nghiệp THPT và tuyển lựa vào ĐH và CĐ. Việc này đang nằm trong lộ trình đó và sẽ có tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội để chuẩn bị kĩ càng, chu đáo.

“Khâu thi cử ta làm để phát tín hiệu. Tôi tin rằng hiệu ứng của việc ra đề, cách chấm của đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi sẽ tác động tích cực tới cách dạy, học của thầy cô ở THPT”, Bộ trưởng nói.

XEM CLIP: 


Hủy quy định cũ để “diệt” bệnh thành tích

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng về bệnh thành tích trong GD với câu hỏi: Tỉ lệ học sinh khá giỏi quá nhiều hiện nay có phản ánh đúng chất lượng đào tạo hay không? Tình trạng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không đọc thông viết thạo không chỉ tồn tại ở vùng sâu mà cả ở các vùng khác.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: Bộ GD đã rà soát lại các quy định của mình, loại bỏ quy định đánh giá giáo viên, cơ sở giáo dựa vào thành tích học tập của HS. Bộ đã đưa ra giải pháp kĩ thuật và xin hứa với các ĐBQH là các cháu học hết lớp 1 sẽ viết đúng chính tả, học hết lớp 3 viết câu đúng và không tái mù.

{keywords}
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận

“Khi chuyển được từ nền giáo dục nặng truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất thì không còn chỗ cho những việc đánh giá không đúng, vì chúng ta không kiểm tra kiến thức nữa mà kiểm tra khả năng thực hành của các cháu. Tất cả các khả năng ấy được thể hiện công khai, cả xã hội đánh giá chứ không chỉ riêng thầy cô giáo”, ông Luận khẳng định.

Thời bao cấp mới không thất nghiệp

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho biết trong báo cáo về giáo dục ĐH, Bộ có nhận trách nhiệm về yếu kém khi SV ra trường không có việc làm. Nhưng việc nhận trách nhiệm chỉ là một phần, phần còn lại là xử lý trách nhiệm. Vậy Bộ trưởng đã xử lý hoặc đề xuất xử lý những tổ chức, cá nhân liên quan như thế nào?

{keywords}
ĐB Nguyễn Thành Tâm

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc xử lý cá nhân thì phải chấp hành theo các quy định của pháp luật, không thể nói một câu “thế này thì Bộ xử lý thế nào” là xong mà phải phân tích kĩ xem thiếu việc làm là thế nào.

Theo ông Luận, mỗi năm VN có khoảng 400.000 người tốt nghiệp ĐH và CĐ, 5 năm có 2 triệu người. Con số thống kê 72.000 người tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm là đúng, chiếm tỉ lệ 3,6%.

Ông Luận cho rằng việc làm là vấn đề của thị trường lao động, chỉ khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kì bao cấp, khi mà anh học ngành nghề gì là do Nhà nước phân công, tốt nghiệp xong anh làm ở đâu do Nhà nước chỉ định.

“Còn trong kinh tế thị trường, việc đào tạo là cho nhiều thành phần kinh tế, các cơ sở đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu cho biên chế nhà nước. Khi thị trường lao động đã hình thành và ngày càng phát triển thì độ trễ và sự không khớp giữa cung và cầu lao động là một thực tế khách quan” - người đứng đầu ngành GD nhận định.

Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong vấn đề này là cùng các cơ sở đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cảnh báo cho xã hội những ngành, nghề thừa thiếu nhân lực, ưu tiên mở ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

C.Quyên - T.Lâm - M.Thăng - Đ.Yên - H.Nhì - Nguồn clip: VTV