Trang web Cục Hải sự TQ dẫn thông tin từ cục Hải sự Hải Nam hôm 17/6 cho hay, tàu kéo Đức Gia đang kéo giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) từ vị trí có tọa độ 17°38 vĩ độ Bắc 110°12.3 vĩ độ Đông tới vị trí có tọa độ 17°14.1 vĩ độ Bắc 109°31 vĩ độ Đông trên Biển Đông.
Giàn khoan này dự kiến di chuyển từ ngày 18-20/6. Giàn khoan Nam Hải số 9 có chiều dài tổng cộng 600 m và tốc độ di chuyển khoảng 4 hải lý/giờ.
|
TQ đã đơn phương triển khai giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của VN ở Biển Đông. Ảnh: scmp
|
Giàn khoan Nam Hải số 9 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi do Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ giàn khoan Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), quản lý và vận hành. Giàn khoan này nặng 21.714 tấn và được chế tạo năm 1988.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) hôm nay bình luận, trong một động thái có thể khiến căng thẳng Biển Đông leo thang hơn nữa, cục Hải sự TQ thông báo một giàn khoan khác, Nam Hải số 9, sẽ di chuyển trên Biển Đông.
Báo này nhấn mạnh, chưa rõ là giàn khoan có nằm trong vùng biển tranh chấp hay không.
Trước đó, các phương tiện truyền thông TQ đưa tin, COSL đã ký hợp đồng với công ty đóng tàu Đại Liên và công ty công nghiệp nặng Trung Quốc tại Thâm Quyến để chế tạo 3 giàn khoan dầu mới, tên gọi Hải Dương 982, Hải Dương 943 và Hải Dương 944. Tổng trị giá các giàn khoan này lên đến 1 tỷ USD.
Theo giới phân tích, khi TQ ngày càng quả quyết hơn trong tham vọng chủ quyền trên biển, cũng như đẩy mạnh việc lùng sục năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế, thì chính những tập đoàn dầu khí đã trở thành công cụ chính sách hàng hải.
Điển hình là CNOOC với giàn khoan nước sâu đầu tiên Haiyang Shiyou 981 mà hiện TQ đã đơn phương triển khai trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của VN ở Biển Đông. Giới phân tích nhấn mạnh, có sự tương quan chặt chẽ giữa quan điểm chính sách chính thức của Trung Quốc và cả các lợi ích quốc gia với khát khao mở rộng của CNOOC ở Biển Đông. Khi đó, hoạt động sản xuất dầu khí trở thành một công cụ chính sách hiệu quả dù người chơi đóng vai nhà nước hay tư nhân.
Trong khi các giàn khoan cũ của TQ điển hình chỉ có thể hoạt động ở vùng nước có độ sâu chưa đầy 200m thì Haiyang 981 có thể khoan ở độ sâu hơn 3.000m, giúp cho CNOOC có khả năng hút dầu và khí hầu như bất cứ nơi nào tại Biển Đông ngoài trừ những phần sâu nhất của vùng biển thẳm.
Giàn khoan nước sâu đã cung cấp một dấu mốc để mở rộng những chọn lựa của các công ty TQ trong hoạt động ở Biển Đông và làm dấy lên mối quan ngại rộng rãi trong các nước láng giềng rằng, sự hiện diện của nó đại diện cho bước đi đầu tiên trong chuyện TQ đơn phương khẳng định quyền kiểm soát các khu vực hàng hải và tài nguyên trên biển.
Thái An tổng hợp