- Tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp về Biển Đông, lý giải tại sao TQ kiên quyết hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò.
Vấn đề cũng không chỉ là vạch ra đường 9 đoạn mà là chuyện chiếm toàn bộ vùng biển bên trong nó. TQ đang có chiến lược vươn lên như một cường quốc có thể đối trọng với Hoa Kỳ. Họ cần đường tiến ra Thái Bình Dương để áp sát Hoa Kỳ. Phải có đường để họ tự do đưa tàu ngầm từ căn cứ Tam Á (trên đảo Hải Nam) ra đại dương mà không bị theo dõi hay phát hiện. Biển Đông là vùng biển gần như kín nên cách duy nhất TQ có thể thực hiện mục tiêu trên là độc chiếm Biển Đông.
Có thể nói dầu khí, nguồn lợi hải sản hay tiềm năng hàng hải không phải vấn đề chính. Trên website của Bộ Ngoại giao TQ có thông tin rằng TQ sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN cùng khai thác các nguồn lợi kinh tế, chỉ với điều kiện các nước thừa nhận vùng biển này thuộc về TQ. Điều này đối với các nước ven biển khác, rõ ràng là không thể chấp nhận.
|
Tướng Daniel Schaeffer: Cách duy nhất TQ tiến ra Thái Bình Dương là độc chiếm Biển Đông. Ảnh: Phương Mai
|
Chỉ khi đường 9 đoạn này biến mất thì mới có thể nói đến chuyện chủ quyền đối với các hòn đảo. Phải xóa đường 9 đoạn thì Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà TQ ký với ASEAN mới thực hiện được. Nếu đường 9 đoạn là hợp pháp thì các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei chỉ cần bước chân ra Biển Đông là vi phạm DOC rồi.
Riêng với vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 và chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, VN có một số cách giải quyết mà không phải đối đầu với TQ: Trước hết là kiên trì đàm phán với TQ. Hai là yêu cầu một quyết định trọng tài từ Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS) như Philippines đã làm. Ba là có một chiến lược vận động (lobby) thật mạnh trên toàn thế giới để thu hút sự chú ý của quốc tế về tình hình tôn trọng luật Biển.
Kể cả khi TQ không muốn vấn đề được quốc tế hóa, thì vấn đề này đã là một vấn đề quốc tế, vì Biển Đông là một vùng biển quốc tế, không phải biển của TQ.
Chung Hoàng ghi