Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew hôm nay tới Bắc Kinh dự Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung thường niên lần thứ sáu.
Các quan sát cho rằng, trong khi Washington tập trung nhiều hơn vào các vấn đề Iraq, Syria, Ukraine, Nga, quan hệ Mỹ - Trung đang đối mặt với một bài kiểm tra khó khăn nhất kể từ khi Tổng thống Nixon công du TQ năm 1972.
Máy bay, tàu chiến, tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Reuters |
TQ trỗi dậy sức mạnh quân sự cùng gia tăng quả quyết trong tuyên bố chủ quyền với phần lớn các đảo, bãi đá không có người ở ở những vùng biển châu Á khiến nước này không chỉ đối đầu với nhiều nước láng giềng mà cả với Mỹ - nước có những đồng minh quan trọng hiện đang tranh chấp chủ quyền với TQ.
Khi TQ điều động đội tàu lớn ra Biển Đông để tăng cường gây hấn, giành lợi thế trong yêu sách chủ quyền; khi các máy bay TQ và Nhật chơi trò “mèo vờn chuột” ở không phận tranh chấp của châu Á, nguy cơ leo thang quân sự cũng gia tăng mạnh.
Bế tắc khiến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh suy giảm, thậm chí có thể dẫn tới việc bất hợp tác trong những vấn đề quan trọng toàn cầu như Trung Đông, biến đổi khí hậu và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Quan hệ Mỹ - Trung tồi tệ hơn kể từ lúc bình thường hóa và Đông Á ngày nay trở nên bất ổn hơn bất kỳ lúc nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt”, Robert Ross, một giáo sư khoa học chính trị Đại học Boston cho biết.
Những câu chuyện ngược
Bắc Kinh giải thích chính sách tái cân bằng đối ngoại hướng về châu Á của chính quyền Obama là nỗ lực kiềm chế sự gia tăng của TQ.
Nỗ lực củng cố quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực cũng như trấn an các đồng minh châu Á như Nhật và Philippines rằng, họ luôn sẵn sàng bảo vệ đồng minh bằng quân sự đã tạo ra một câu chuyện mới ở Bắc Kinh – rằng Mỹ khuyến khích láng giềng TQ thúc đẩy tuyên bố chủ quyền lãnh thổ theo hướng quả quyết hơn.
Trong khi đó, ở Washington, lại có câu chuyện ngược lại: rằng TQ đang thúc đẩy yêu sách chủ quyền lãnh thổ bằng cách đe dọa vũ lực và cuối cùng là muốn đẩy Mỹ ra khỏi châu Á.
Trong tháng 11, TQ đã tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông bao gồm không phận quần đảo tranh chấp hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật.
Vào tháng 3 năm nay, tàu phòng vệ bờ biển TQ đã cố ngăn chặn các tàu Philippines tiếp cận tàu tiếp tế ở bãi cạn Thomas II. Hai tháng sau đó, họ đơn phương triển khai giàn khoan 1 tỉ USD tại vùng đặc quyền kinh tế của VN; TQ cũng còn đẩy mạnh nỗ lực cải tạo đảo, làm đảo nhân tạo ở Biển Đông. Quan chức Mỹ xem những động thái này đồng nghĩa với việc TQ cố tăng cường lập trường chủ quyền của họ trên các vùng biển.
TQ nói họ có chủ quyền lịch sử với phần lớn Biển Đông, nhưng các hành động gần đây của TQ theo nhiều chuyên gia là đã phá hủy các nỗ lực của năm ngoái trong thúc đẩy những mối quan hệ tập trung vào hợp tác, phát triển của nước này với các láng giềng.
Có ý kiến lập luận rằng, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình có thể coi những vấn đề đối ngoại là công cụ hữu ích cần sử dụng trong công cuộc cải tổ khó khăn bao gồm cả quân đội. Ý kiến khác cho rằng, TQ đơn giản là muốn dương oai khi tìm kiếm xây dựng một trật tự châu Á mới trong đó họ là người chơi chính của khu vực chứ không phải Mỹ.
Người khổng lồ tỉnh thức
Dù bất kỳ lý do nào, thì sự gia tăng của TQ cũng khiến Mỹ khó xử giữa những cam kết với đồng minh và mong muốn duy trì mối quan hệ xây dựng với Bắc Kinh. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã điều động các máy bay ném bom B-52 bay qua vùng nhận diện phòng không mà TQ đơn phương thiết lập tại Hoa Đông và cảnh báo sẽ đánh giá lại lập trường quân sự tại châu Á nếu TQ mở rộng vùng nhận diện này ra Biển Đông.
Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Obama thăm Nhật, Hàn Quốc và Philippines trong một chuyến công du khiến Bắc Kinh không hề thấy thoải mái. Tại Nhật, ông là Tổng thống đầu tiên nói rõ ràng rằng, hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước bao gồm quần đảo nằm dưới sự quản lý của Nhật mà TQ cũng khẳng định chủ quyền. Tại Philippines, ông đã ký một thỏa thuận phòng thủ mới kéo dài 10 năm.
Đấu khẩu đã diễn ra giữa các quan chức quân sự Mỹ, TQ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thẳng thừng cáo buộc TQ (hồi tháng 5) là “áp chế, đe dọa sử dụng vũ lực” trong tuyên bố chủ quyền và cảnh báo “Mỹ sẽ không nhìn sang hướng khác nếu các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức. Về phía TQ, đài truyền hình nước này đưa tin, tướng Wang Guanzhong gọi bình luận của ông Hagel là “thổi phồng và đe dọa”.
Một số nhà phê bình lập luận, Mỹ cần quyết đoán hơn trong thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với châu Á thông qua thỏa thuận thương mại mang tên Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. “Chúng ta cần có sức nặng hơn về mặt kinh tế”, Christopher Johnson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ nói.
Ông nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ sai lầm nếu đánh giá thấp các cam kết của Mỹ trong bảo vệ châu Á. “Mỹ là một người khổng lồ đang ngủ. Nếu bị khiêu khích và kích động, chúng tôi sẽ hành động”.
Thái An (Theo Washingtonpost)