- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng giải trình vấn đề nước sạch đúng lúc đường ống dẫn nước sông Đà lại bị vỡ lần thứ 8, đe dọa cắt nước với 70 nghìn hộ dân.

>> Đường ống nước gặp sự cố, 70.000 hộ dân HN lại mất nước
>> 'Trèo cột điện ghi số, đương nhiên sai'

Chính vì thế, khi đứng lên trả lời chất vấn trước HĐND Hà Nội chiều nay (10/7), ông Nguyễn Quốc Hùng nói ngay: Đơn vị chủ đầu tư là Vinaconex cam kết trước 23h đêm nay sẽ khắc phục xong.

{keywords}
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: Nếu Vinaconex không đủ năng lực, thành phố sẽ tìm nhà đầu tư khác

Đường ống nước sông Đà là công trình hết sức quan trọng nhưng như ông Nguyễn Quốc Hùng giải trình, là công trình của Bộ Xây dựng nên lâu nay thành phố chưa phối hợp đúng mức trong kiểm tra, giám sát các khâu từ thiết kế đến thi công.

"Sau các sự cố vỡ đường ống, thành phố đã yêu cầu Vinaconex có lực lượng trực sẵn sàng sửa chữa khắc phục trong vòng 24 giờ, Sở Xây dựng và các công ty nước sạch kịp thời điều phối các nguồn cấp nước khác, khai thác thêm nước ngầm, điều tiết chung cả thành phố, thông báo cho người dân chuẩn bị tinh thần và triển khai cấp nước bằng xe téc", ông Hùng cho biết.

Giải pháp lâu dài mà Phó Chủ tịch báo cáo là trong giai đoạn 2 của dự án, đường ống dẫn nước sẽ được ưu tiên: Thành phố đang huy động vốn từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và xã hội hóa để đầu tư cho đường ống, trước mắt là 10km hay bị vỡ, sau đó là hoàn thành số đường ống còn lại vào đầu năm sau.

"Nếu Vinaconex không đủ năng lực, thành phố sẽ tìm nhà đầu tư khác", Phó Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh. Ông Hùng cũng kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn của việc cấp nước trong mùa hè bằng cách tiết kiệm, chú ý thông tin về cắt nước.

Chủ tịch HN chỉ phê duyệt nếu đảm bảo không siêu mỏng, siêu méo

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết trong 58 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên "tuyến đường đắt nhất hành tinh" Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, đã giải quyết 30, còn 28 trường hợp đang tìm giải pháp, trong đó 8 sẽ phải thu hồi, gồm cả ngôi nhà 4 mặt tiền đang nằm giữa nút giao thông này.

{keywords}
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục: Đáng nhẽ xuống tận nơi thì sẽ biết nhà nào có nguy cơ siêu mỏng, siêu méo để giải quyết luôn, đường đâu cần thẳng tắp mà cong cong một chút vẫn được

Ông Dục chỉ ra các giải pháp: thu hồi nếu diện tích nhỏ hơn 10m2, hợp thửa hợp khối và yêu cầu chỉnh trang. Nhưng Trưởng Ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam cho rằng các giải pháp này chỉ là đối phó.

"Khi thông qua luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã cam kết không để lặp lại tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, lúc đó điển hình là tuyến đường Đào Duy Anh cũng 'đắt nhất hành tinh'. Thế mà đến năm nay, được thành phố chọn là năm trật tự văn minh đô thị, lại có tuyến đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa nhếch nhác", ông Nam nhắc, trong 58 trường hợp trên, không ít là xây dựng trái phép.

"Với các tuyến đường sắp mở, liệu có lặp lại?", Trưởng Ban Pháp chế HĐND hỏi.

Theo ông Lê Văn Dục, nguyên nhân quan trọng là Sở Quy hoạch - Kiến trúc khi phê duyệt dự án, kẻ chỉ giới đã không xuống hiện trường xem xét.

"Đáng nhẽ xuống tận nơi thì sẽ biết nhà nào có nguy cơ siêu mỏng, siêu méo để giải quyết luôn, đường đâu cần thẳng tắp mà cong cong một chút vẫn được", ông Dục cho rằng vì cứng nhắc theo vạch chỉ giới đã quy hoạch mà nảy sinh vấn đề này.

Bên cạnh đó, người dân "thủng chỗ nào là nhảy ra xây dựng chỗ đó, làm ban đêm nên đường chưa xong nhà đã xong, nhanh chân nhanh tay để làm được hai, ba tầng". Thế nên giờ muốn thu hồi cũng khó vì người dân đã mất nhà không muốn mất luôn cơ hội kinh doanh trên vỉa hè mới.

Sở Xây dựng HN kiến nghị với các tuyến đường sau này, nếu chủ đầu tư thấy cần thì có thể kiến nghị thành phố và Chính phủ điều chỉnh chỉ giới đường đỏ, đây vốn là việc không bị cấm.

"Sắp tới là Hoàng Cầu - Giảng Võ, Giảng Võ - Voi Phục, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu không để siêu mỏng siêu méo nữa, 'phải lấy đầu ra đảm bảo thì mới được phê duyệt'", ông Dục cho biết.

Chung Hoàng - Ảnh: HTV