- “Các vị quyết định đầu tư nhưng nếu vốn không cân đối được hoặc quyết định các dự án, chương trình không phù hợp với chủ trương và quy hoạch chung, chúng tôi sẽ thổi còi” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đào Quang Thu nói.

>>'Bộ trưởng lấy đá ghè chân mình'

>>Luật Đầu tư công mới giải quyết phần ngọn

Chiều 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIII, kì họp thứ 7 thông qua.

Các luật này gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giao thông đường thủy nội địa; Luật bảo vệ môi trường; Luật phá sản; Luật hải quan; Luật đầu tư công; Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Trong 5 điểm mới của luật đầu tư công, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu nhấn mạnh nội dung thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư.

Đây là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết dịnh chủ trương đầu tư, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Nội dung đáng chú ý tiếp theo là đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch đầu tư (thay vì lập kế hoạch từng năm thì luật quy định phải xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm).

Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo về việc luật Đầu tư công có hiệu lực liệu có chấm dứt được cơ chế xin cho mà biểu hiện là tình trạng “dịp gần Tết xe công ở các địa phương đỗ chật kín cổng Bộ để xin dự án mới hoặc mở rộng dự án cũ” hay không, Thứ trưởng Đào Quang Thu nói:

"Từ khi có chỉ thị 1792 (về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý nguồn vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ trong đầu tư công - PV) thì trước cổng Bộ KHĐT và Bộ Tài chính đã khác, khi có luật Đầu tư công, tôi tin chắc rằng tình hình sẽ còn khác nữa”.

Ông Thu lý giải: Theo quy định của luật mới được QH thông qua, tính chủ động của các địa phương, bộ ngành là rất cao.

Bộ KHĐT sẽ tham mưu Chính phủ trình QH một dự toán ngân sách cho một thời kì, sau đó căn cứ vào tiêu chí và nguyên tắc phân bổ, ngân sách sẽ phân bổ cho các địa phương, bộ, ngành theo các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ. Sau đó các địa phương, bộ ngành sẽ tính toán, cộng thêm các nguồn lực của địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để lên kế hoạch đầu tư của mình.

“Bộ KHĐT sẽ chỉ giám sát quá trình này chứ không can thiệp vào quyền quyết định về chủ trương đầu tư cũng như quyết định triển khai dự án của các địa phương, bộ, ngành. Quyết định, kế hoạch cũng là của các địa phương, bộ, ngành. Các vị quyết định nhưng nếu vốn không cân đối được hoặc quyết định các dự án và chương trình không phù hợp với chủ trương và quy hoạch chung, chúng tôi sẽ thổi còi” - ông Thu nói.

Chốt lại câu trả lời này, Thứ trưởng Bộ KHĐT khẳng định: “Tình trạng xin cho tôi không dám nói sẽ hết nhưng sẽ giảm đi rất nhiều”.

8 năm mới giải quyết được 83 quyết định phá sản

Con số “rất hạn chế” này được bà Bùi Thị Dung Huyền - Trưởng phòng nghiên cứu pháp luật dân sự - thương mại (đại diện Viện Khoa học xét xử - Tòa án nhân dân Tối cao) đưa ra trong cuộc họp báo.

Theo quy định của luật Phá sản, khái niệm “lâm vào tình trạng phá sản” được thay thế bằng khái niệm “mất khả năng thanh toán” (không thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán).

Ngoài ra, luật cũng có nhiều điểm mới về chế định quản tài viên, thủ tục thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng...

Cẩm Quyên