- Thảo luận một lần nữa hai dự thảo luật Căn cước công dân và Hộ tịch, nhiều thành viên UB Thường vụ QH muốn làm rõ việc giữ hay không giấy khai sinh khi đã có mã số định danh và thẻ căn cước.
>>
Thẻ hay giấy khai sinh, bớt hay thêm giấy tờ?
>>
Thay CMND bằng thẻ căn cước,
bỏ hộ khẩu
Trong khi luật Căn cước công dân do Bộ Công an soạn thảo muốn trẻ từ khi sinh ra đã có thẻ căn cước với mã số định danh cá nhân, thì luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp soạn thảo vẫn muốn duy trì giấy khai sinh và chỉ cấp thẻ căn cước khi trẻ đủ 14 tuổi.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không hài lòng với sự vênh nhau của hai dự thảo. Ông nhiều lần nhấn mạnh: Trẻ sinh ra sẽ có giấy chứng sinh làm căn cứ cấp ngay thẻ căn cước và mã số định danh, không cần giấy khai sinh. Thẻ căn cước trước 14 tuổi thì có tên cha mẹ, sau 14 tuổi đổi thẻ mới sẽ có ảnh và vân tay.
Ông Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra rất bức xúc với tình trạng hiện nay người dân đi đâu, làm gì cũng bị hỏi giấy khai sinh. Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa minh chứng cho tình trạng "lạm dụng giấy khai sinh": "Tôi làm giấy tờ nhà đất cũng bị yêu cầu xuất trình hết giấy khai sinh đến giấy đăng ký kết hôn…"
Thẻ CCCD. Nguồn: dự thảo Thông tư của Bộ Công an về thẻ CCCD |
Không chỉ giấy khai sinh, UB Thường vụ QH cũng tiếp tục đặt câu hỏi cho hai dự thảo luật này: Sẽ giảm được những giấy tờ nào cho công dân? Nhưng vẫn chưa có câu trả lời. “Tôi cũng chưa thể chỉ ra được thẻ này sẽ thay thế được những giấy tờ gì”, Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ Kiều Đình Thụ thừa nhận.
Theo Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai, nếu làm được như viễn cảnh mà hai dự thảo luật đưa ra thì sẽ là một cuộc cách mạng, một sự thay đổi lớn. Nhưng bà dẫn tình hình thực tế cho thấy có những thứ giấy tờ vẫn không thể gộp hết vào thẻ căn cước hay mã số định danh được, như các loại bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp...
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng thẻ căn cước sẽ thay thế một số loại giấy tờ nào đó thôi chứ không phải thay thế hết tất cả các loại giấy tờ của công dân.
Một vấn đề nữa các thành viên UB Thường vụ là sự thuận tiện cho người dân khi thống nhất các loại giấy tờ. Như Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi chỉ ra, việc cập nhật các dữ liệu của công dân phải được thực hiện bằng công nghệ thông tin chứ không phải thủ công.
"Cơ sở dữ liệu là điện tử thì sử sụng không thể thủ công. Khi trẻ sinh ra thì cán bộ hộ tịch xã, phường phải cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu này ngay lập tức chứ không phải là gửi thông tin qua công an để họ nhập. Chỉ khi cán bộ không sử dụng được công nghệ thông tin thì mới phải làm vậy".
Qua đó, UB Thường vụ QH cũng đặt câu hỏi về các nguồn lực về con người và kinh phí cho cuộc "cách mạng" này.
Chung Hoàng