Tập đoàn dầu khí TQ CNOOC đang nghiên cứu khả năng xây tàu nổi khổng lồ trị giá nhiều tỉ USD để sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (FLNG). Kiểu công nghệ chưa trải qua thử nghiệm này có khả năng sẽ được sử dụng để sản xuất khí từ các vùng nước sâu của Biển Đông.
Hãng tin Reuters cho biết, trong khi tập đoàn trên chưa có tuyên bố chính thức nào, thì các quan chức CNOOC và trong ngành công nghiệp dầu khí tiết lộ, nghiên cứu tiền khả thi đang được thực hiện. CNOOC đã đàm phán trao đổi với các hãng kỹ thuật toàn cầu về khả năng cùng thiết kế tàu nổi.
Mô hình nhà máy nổi sản xuất khí hỏa lỏng trên biển. Ảnh: Ship-technology |
Các tàu FLNG được coi là những nhà máy sản xuất khí hóa lỏng trên đại dương, có thể dự trữ lượng khí khai thác và vận chuyển sang các tàu chở khí tự nhiên phục vụ việc cung cấp. Nó thường được dùng tại các khu vực khai thác quá xa hoặc quá nhỏ, khó sử dụng hệ thống ống dẫn dưới biển để sản xuất.
Có khoảng 10 cơ sở FLNG đang được lên kế hoạch xây dựng trên toàn cầu. Lớn nhất là Prelude do tập đoàn Royal Dutch Shell sở hữu và dự kiến đi vào hoạt động sản xuất ở một mỏ khí ngoài khơi Australia năm 2017. Shell không nêu ước tính về chi phí chế tạo Prelude nhưng các nhà phân tích cho rằng, con số có thể lên đến hơn 12 tỉ USD.
Trong khi một nhà máy FLNG TQ có thể phải mất vài năm nữa nghiên cứu và phát triển, thì các quan chức công nghiệp dầu khí nước này nhấn mạnh, các tàu nổi kiểu này có thể trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông - bao gồm cả vùng tranh chấp - khi nước này tìm cách mở rộng sản xuất năng lượng ngoài khơi.
CNOOC cũng là công ty sở hữu giàn khoan nước sâu đầu tiên của TQ trị giá 1 tỉ USD. TQ đã hạ đặt trái phép giàn khoan này ở vùng đặc quyền kinh tế của VN từ đầu tháng 5. Hôm qua, công ty dầu khí TQ cho biết giàn khoan đã kết thúc việc khoan thăm dò và bắt đầu dịch chuyển về hướng đảo Hải Nam.
Chính quyền hỗ trợ
Hiện tại, CNOOC đang tiến hành nghiên cứu tiền khả thi để đánh giá chi phí cũng như lợi ích của việc sử dụng công nghệ FLNG, trưởng nhóm nghiên cứu nước sâu của tập đoàn là Xie Bin cho biết. Trong lĩnh vực năng lượng, nghiên cứu tiền khả thi thường diễn ra đầu tiên, sau đó là các nghiên cứu, thiết kế chi tiết hơn có thể bao gồm chuyên gia nước ngoài cũng như đòi hỏi ngân sách lớn hơn.
"Với các vùng tranh chấp, chúng ta cần tự túc vì không thể trông mong sự hỗ trợ của bất kỳ láng giềng nào, Xie nói trong một buổi hội thảo ở Thiên Tân. Ông này không đưa ra chi phí để xây dựng một cơ sở FLNG mặc dù một số quan chức công nghiệp khác cho rằng, có thể mất vài tỉ USD.
CNOOC cũng đã xác nhận việc nghiên cứu công nghệ FLNG nhưng không nói gì thêm. Tập đoàn này từ lâu mong muốn tiến hành thăm dò ở vùng nước sâu. Vào năm 2010, họ đặt mục tiêu tới 2020 sẽ tìm ra một Đại Khánh mới. Đại Khánh là tên mỏ khai thác trên đất liền ở phía đông bắc TQ sản xuất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Theo Xie, CNOOC đang tìm kiếm khả năng xây dựng một nhà máy FLNG có thể xử lý tới 2,4 triệu tấn khí/năm và hoạt động ở độ sâu 1.500m. Một nguồn tin công nghiệp khác cho hay, họ có thể bắt đầu với nhà máy nhỏ hơn công suất 1 triệu tấn khí/năm.
Trong tháng 4, một bài báo đăng trên trang web của CNOOC cho biết, tập đoàn này đã tiến hành nghiên cứu và phát triển với hai trường đại học TQ để thiết kế một tàu FLNG nhỏ hơn với công suất khoảng 5.000 tấn khí/năm. Công việc sản xuất sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9 và tàu nổi sẽ được thử nghiệm tại thành phố cảng Dinh Khẩu.
Theo giới phân tích, ở những khu vực tranh chấp, một con tàu có thể dễ dàng bảo vệ hơn nhiều hệ thống ống dẫn dài hàng trăm km.
Wang Jinlian, tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp đóng tàu quốc gia TQ nhấn mạnh, chính phủ nước này sẵn sàng hỗ trợ tài chính cũng như ưu đãi thuế cho bất kỳ địa phương nào cần xây dựng nhà máy nổi kiểu như trên.
Thái An (theo Reuters)