Ông Clinton hôm 18/7 đã tới Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc về dự án
phòng chống HIV/AIDS do Quỹ Clinton của gia đình ông thực hiện tại VN. Ông sẽ có
bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế về bệnh AIDS lần thứ 20 ở Melbourne,
Australia.
|
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: heraldsun |
Từ Ba Vì, Hà Nội, trả lời kênh truyền hình CNN sau vụ việc máy bay MH17 khởi
hành từ Amsterdam tới Kuala Lumpur bị bắn hạ trên không phận Ukraina, ông
Clinton cho biết, cá nhân ông có biết một số nạn nhân.
"Thật khủng khiếp”, ông nói. "Họ thực sự là những người tử vì đạo trong cuộc
chiến chống đại dịch AIDS và chúng tôi đang tới Australia để nói về điều này”.
Cựu Tổng thống Mỹ là một trong những nhà lãnh đạo toàn cầu với cuộc chiến chống
AIDS. Ông mô tả sự ra đi của các nhà nghiên cứu AIDS sau thảm nạn MH17 là “kinh
hoàng”.
“Họ thực sự làm rất tốt. Chúng tôi thường tổ chức hội nghị quốc tế về AIDS và
tôi cố gắng mong mỏi có được sự hiện diện của tất cả. Tôi luôn được truyền cảm
hứng từ những gì người khác đang làm và những gì tôi có thể học hỏi từ họ", ông
nói.
Hội nghị quốc tế AIDS - hội nghị lớn nhất thế giới về vấn đề này - dự kiến có
12.000 người tham dự khai mạc vào ngày mai. Thông tin ban đầu cho thấy, trong số
298 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay MH17, có hơn một trăm
người là nhà nghiên cứu, nhà hoạt động và nhân viên y tế đang trên đường tới
Australia tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, cách đây vài giờ, nhà tổ chức hội nghị cho biết có thể xác nhận tên
của 7 đại biểu thiệt mạng. Con số này thấp hơn nhiều với thông tin ban đầu. Theo
Chủ tịch Hiệp hội AIDS quốc tế Chris Beyrer, Hiệp hội đang cố gắng xác định
chính xác số đại biểu có mặt trên máy bay. “Tôi nghĩ con số thực tế sẽ ít hơn
nhiều”, ông nói.
Giáo sư Joep Lange, nhà nghiên cứu AIDS hàng đầu, cựu Chủ tịch Hiệp Hội Quốc tế
về AIDS là một trong số 298 người đã tử nạn. Việc ông đột ngột ra đi là mất mát
khó bù đắp của phong trào phòng chống HIV/AIDS trên thế giới. Thông tin về cái
chết của ông đã làm cộng đồng những nhà nghiên cứu về AIDS bàng hoàng bởi ông
được cả thế giới vinh danh là “cây đại thụ” trong lĩnh vực nghiên cứu điều trị
bệnh AIDS ở châu Á và châu Phi.
Thái An (theo Heraldsun, Guardian)