Ngay giữa cuộc họp an ninh khu vực ở Naypyidaw (Myanmar), Ngoại trưởng TQ Vương Nghị đã bác bỏ kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm đóng băng “các hành động khiêu khích” ở Biển Đông.

Mô tả tình hình Biển Đông là ổn định, ông Vương Nghị hôm qua đã nói về lập trường của TQ: “Là cường quốc có trách nhiệm, TQ sẵn sàng duy trì sự kiềm chế, nhưng với các hành động khiêu khích không hợp lý, TQ sẽ có phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ”.

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp ARF tại Myanmar hôm 9/8. Ảnh: AP

Mỹ đã cáo buộc TQ dùng sức mạnh quân sự trong tranh chấp chủ quyền với các láng giềng nhỏ hơn như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.

Trong hội nghị khu vực, ông Kerry nói, các thành viên ASEAN cần làm việc cùng nhau để quản lý căng thẳng một cách hòa bình, và tổ chức này có trách nhiệm lớn lao trong việc đảm bảo an ninh các cầu cảng và hải lộ quan trọng với thương mại toàn cầu.

Theo ông Carl Thayer, nhà phân tích quốc phòng tại Đại học New South Wales, Australia, việc ông Vương Nghị bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ (được một số thành viên ASEAN tán thành) chỉ là sự tái khẳng định lập trường lâu nay của TQ trong giải pháp tranh chấp Biển Đông.

Ông Thayer khẳng định, lập trường của TQ ở Biển Đông là một phần của “trò chơi ngoại giao” được thiết kế để giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ và gây chia rẽ trong cộng đồng ASEAN.

Philippines tố TQ bội ước

Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng, việc TQ từ chối đề xuất đóng băng các hành động khiêu khích ở vùng biển tranh chấp đã phản ánh “một chương trình nghị sự bành trướng” và mâu thuẫn với khuôn khổ giải quyết xung đột đa phương mà Bắc Kinh đã ký kết cách đây hơn một thập niên.

Ông Del Rosario đưa ra bình luận này sau khi người đồng cấp TQ Vương Nghị tuyên bố không hoan nghênh kêu gọi của Manila về việc dừng các hành động có thể làm leo thang căng thẳng giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.

"Họ nên chấp thuận kế hoạch này - nó rất tích cực, xây dựng và toàn diện” ông Del Rosario nhấn mạnh. “Nếu TQ không tán thành đề xuất này, nghĩa là họ đang bác bỏ thỏa thuận mà chính họ đã ký kết”.

TQ năm 2002 đã ký tuyên bố chung với ASEAN với những nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố này không có tính ràng buộc pháp lý nhưng các bên tham gia đều cam kết “kiềm chế trong việc tiến hành những hành động có thể làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp”.

Philippines tin rằng, TQ đã coi thường tuyên bố trên khi đơn phương tiến hành những bước đi khiêu khích nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như thiết lập cơ sở hạ tầng trên các đảo mà cả Bắc Kinh và Manila đều khẳng định chủ quyền.

Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh: “TQ đang cố hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của họ trước phiên tòa và trước khi hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử. Hành động của họ trên thực địa không đi đôi với những tuyên bố họ đưa ra”.

Theo ông Del Rosario, các thành viên ASEAN khác “không phản đối” đề xuất của Philippines gồm: ngừng các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng; nhanh chóng hoàn tất bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và thúc giục các bên tranh chấp giải quyết bất đồng thông qua trọng tài. “Cần có một đường biên để giải quyết tranh chấp, và đó là trọng tài”, ông nói. "Lời mời của chúng tôi vẫn nguyên giá trị, rằng TQ hãy tham gia quá trình phân xử trước trọng tài quốc tế”.

Thái An tổng hợp