- Những thông điệp về Biển Đông ở Naypyidaw không chỉ là câu chuyện sống còn của ASEAN về sự đoàn kết, khẳng định “vai trò trung tâm” trong duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác khu vực.

Có lẽ 7 điểm mục cụ thể liên quan đến Biển Đông trong Thông cáo chung hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) tuần qua tại Naypyidaw, Myanmar là những thông điệp mạnh mẽ, quyết tâm hơn so với những văn bản cùng tầm mức từ trước đến nay.

Từ hội nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 5 vừa qua cho đến hội nghị ở Naypyidaw, những định hình ứng xử chịu tác động của vụ việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của VN.

{keywords}

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 5 từ trái sang) cùng các Ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng TQ Vương Nghị (thứ 6, trái) tại hội nghị ASEAN-TQ. Ảnh: THX/TTXVN

Vấn đề Biển Đông không còn là câu chuyện của một hội nghị riêng rẽ. ASEAN đã từng có không phải chỉ một hay những cơ hội hiếm hoi thử thách bản lĩnh, trách nhiệm về nỗ lực chung trong việc duy trì một khu vực hòa bình, ổn định.

Sự việc ở Cấp cao Phnom Penh 2012 từng là một bài học lớn về chuyện đoàn kết, nhưng đến vụ việc giàn khoan hồi tháng 5 cho thấy Biển Đông luôn không lặng sóng thực sự đòi hỏi định hình ứng xử, bản lĩnh và hành động trách nhiệm hơn của mỗi thành viên theo cách rõ ràng, nhất quán và không thể thất thường.

Ở AMM 47, các thành viên ASEAN chia sẻ nhận thức “tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”, đồng thời gắn mức độ quan ngại này với tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đặc biệt, ASEAN cũng như các đối tác nhất trí không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự giàn khoan, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.

Nhưng như điệu tango không thể thành, nếu chỉ có một phía. ASEAN lần này chỉ rõ trách nhiệm của TQ qua việc nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng về cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và TQ đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tin cậy lẫn nhau, và sự cần thiết tạo lập các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

“Công cụ” DOC trong một thời gian dài bị “nhờn” khi có những hành xử đơn phương phá vỡ các nguyên tắc, cam kết chung, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định. Việc chỉ ra yêu cầu thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC một cách tổng thể, nhất là nhắc rõ điều 4 và 5 được các thành viên ASEAN ở AMM 47 đặc biệt thúc giục tuân thủ.

Bất kể nước nào hưởng lợi về tự do an ninh hàng hải, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều hiểu rằng tôn trọng pháp quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế là cách hành xử văn minh nhất để hóa giải mọi tranh chấp, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực.

Bởi vậy, ở AMM 47, các Bộ trưởng ASEAN đã “thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982”.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đà tham vấn và khẩn trương làm việc nhằm sớm đạt được COC, tiếp theo những kết quả mang tính xây dựng của hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN-TQ lần thứ 7 về thực hiện DOC ở Thái Lan, và cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN-TQ lần thứ 10, 11 về thực hiện DOC tại Singapore và Indonesia hồi tháng 4 vừa qua.

Quả bóng giờ đã được chuyền cho phía TQ vốn luôn chần chừ, câu giờ suốt thời gian qua. Trong bối cảnh gia tăng những thách thức an ninh ở Biển Đông, với những “bài học” của DOC để lại như việc mất đến 9 năm mới có bản hướng dẫn thực hiện, ASEAN đã ngả rõ sự đồng thuận tuyệt đối về sự cần thiết đàm phán thực chất Bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc pháp lý.

ASEAN có mục tiêu lớn nhất cận kề, đó là thành lập Cộng đồng chung vào năm 2015. Biển Đông có thể được coi là cuộc thử lửa bản lĩnh của ASEAN khi mà sự phát triển thịnh vượng trên mọi mặt chỉ có thể đạt được dựa trên nền tảng hòa bình, an ninh ổn định và cùng hợp tác phát triển.

Đặt vấn đề trong ra-đa quan tâm chung, gắn ứng xử với hành động trách nhiệm, sự đóng góp bản lĩnh tự cường của tất cả mọi thành viên rõ ràng là sự trải nghiệm thiết thực để ASEAN trở thành một Cộng đồng mạnh thực sự của khu vực.

VN trong các hội nghị đã chia sẻ đánh giá của ASEAN và các đối tác về việc cần phải đẩy mạnh nỗ lực chung nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc gây căng thẳng gần đây, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển VN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự; đề cao các nguyên tắc của ASEAN như đã được nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014, trong đó nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển, Tuyên bố DOC; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là quy định tại điều 5 về không được có các hành động làm phức tạp tình hình, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm đạt được COC.

  • Linh Thư