Vụ việc với Chu Vĩnh Khang còn được coi là một dấu mốc trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.

Cuộc điều tra tham nhũng vào cuối tháng 7 với Chu Vĩnh Khang - nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị TQ đã đánh dấu chấm hết cho một quy tắc bất thành văn ở TQ rằng, các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị kể cả đã về hưu có thể “miễn trừ” điều tra về tội danh kinh tế.

Có đồn đoán rằng, Chu ngã ngựa là do thanh trừng các đối thủ chính trị trong bộ máy cầm quyền. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận lại tin rằng, sự sụp đổ của Chu có nghĩa là chính phủ mới có thể bắt đầu thay đổi tâm điểm từ chống tham nhũng sang yêu cầu cấp bách trong cải tổ kinh tế.

{keywords}

TQ đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình khởi xướng. Ảnh: THX

Đầu năm 2012, có thể coi Chu Vĩnh Khang là một người quyền lực nhất TQ. Ông kiểm soát bộ máy an ninh nội địa to lớn với ngân sách 100 tỉ USD, vượt qua cả chi tiêu quốc phòng.

Theo các phương tiện truyền thông TQ, ít nhất 37 công ty, trải dài tới tận Bắc Mỹ thuộc sở hữu của gia đình nhà Chu Vĩnh Khang hay những người liên quan.

Chiến dịch chống tham nhũng với cuộc điều tra Chu đã tạo ra cơn địa chấn lan khắp doanh nghiệp và bộ máy quan chức chính phủ khi Chu là quan chức cấp cao nhất bị điều tra cũng như quy mô lớn của sự kiện này.

Có hai trường phái tranh cãi về mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng hiện tại ở TQ. Một cho rằng đó là cuộc thanh trừng đối thủ chính trị. Số khác khẳng định là để cải tổ chính trị mở đường cho cải cách thể chế kinh tế.

Nếu ở trường phái thứ nhất, thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không nhất thiết dẫn tới một sự ổn định về môi trường chính trị và kinh tế ở TQ. Còn với trường phái thứ hai, nếu ông Tập Cận Bình muốn các hoạt động của chính phủ trở nên minh bạch hơn, cũng như giảm bớt cơ hội để bộ máy quan chức hưởng lợi bất hợp pháp, thì chiến dịch này có thể nhen nhóm trở lại sự hy vọng của người dân về việc cải cách thể chế.

Cuộc chiến chống tham nhũng diễn ra trùng khớp với những nỗ lực cải tổ doanh nghiệp nhà nước TQ.

Một trở ngại chính trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước ít năm qua xuất phát từ sự thất bại của chính phủ trong giám sát, quản lý nguồn vốn có hiệu quả.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng bất kể “ruồi hay hổ”, hơn 200.000 người đã bị điều tra, trong đó có 50 nhà điều hành cao cấp tại các tập đoàn nhà nước.

Dù chiến dịch này có tác động hay ảnh hưởng thế nào, nó vẫn là chìa khóa giúp TQ duy trì tăng trưởng về dài hạn, cũng như cung cấp một nền tảng công bằng cho cạnh tranh lành mạnh phía trước.

Thái An (theo Wantchinatimes)