- Báo chí cần xác định "chống để xây", giữ vững ổn định xã hội, tăng niềm tin, xây dựng xã hội tốt đẹp, không để thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ chế độ - Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo.


Ông Trương Tấn Sang đã có phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị báo chí toàn quốc ngày 5/5 ở Hà Nội. VietNamNet giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Năm 2010 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010, là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp... Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, sự chống phá của các thế lực thù địch đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho nước ta, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp công sức, trí tuệ của những người làm báo, các cơ quan báo chí.

Trong năm qua, sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí để chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là với các sự kiện lớn, quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, để biểu dương động viên kịp thời những cơ quan báo chí có nhiều bài viết hay, chất lượng và nhắc nhở, xử lý sai phạm các cơ quan báo chí được thực hiện tốt hơn, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả cao hơn.

Ông Trương Tấn Sang: Bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật với hoạt động báo chí, cơ chế chính sách nhà nước, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động

Công tác xây dựng văn bản pháp luật, chế độ, chính sách với báo chí, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí đều được tăng cường... Những điều này tác động tích cực đến hoạt động báo chí.

Hoạt động này đã diễn ra sôi nổi, phong phú, đa dạng. Tuyệt đại đa số các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước. Thông tin đúng đắn, kịp thời, đầy đủ tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại của đất nước, các sự kiện lớn trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.

Báo chí đã tập trung tuyên truyền về đại hội Đảng các cấp, và đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đóng góp vào thành công đại hội. Tuyên truyền về các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, đất nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ, tích cực tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của nhà nước, nhất là các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2010. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, kịp thời biểu dương người tốt việc tốt.

Nhiều cơ quan báo chí đã tham gia, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn tiêu cực xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm thông tin sai trái, chống diễn biễn hòa bình của các thế lực thù địch và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ cán bộ, đảng viên, tăng cường thông tin đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, thành tựu đổi mới.

Tôi biểu dương và chúc mừng những kết quả tích cực trên.

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả nêu trên, chúng ta cần nghiêm túc thấy rằng công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và hoạt động báo chí năm qua vẫn còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, trên một số mặt còn chưa đáp ứng được  yêu cầu của Đảng, nhà nước, mong muốn của dân.

Tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng 

Sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản của một số địa phương, ngành còn chưa chặt chẽ, định hướng, chỉ đạo thông tin cho báo chí, nhất là với các sự kiện lớn, phức tạp, nhạy cảm, có lúc, có việc chưa kịp thời.

Có tình trạng buông lỏng quản lý với hoạt động báo chí, nhất là việc liên kết sản xuất các chương trình truyền hình. Một ố nơi chưa thực hiện nghiêm quy chế do Ban Bí thư ban hành về quan hệ phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, quy định của Chính phủ về phát ngôn. Một số cơ quan chủ quản xử lý sai phạm chưa nghiêm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, biên tập chưa được quan tâm đúng mức.

Trong hoạt động báo chí, một số cơ quan chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm chính trị, tư tưởng của báo chí, thiếu nhạy cảm chính trị, có những bài viết không phù hợp. Đưa tin quá nhiều về các vụ án, vụ việc tiêu cực gây cảm giác nặng nề, phản ánh không đúng không khí xã hội và tình hình đất nước, thông tin sai sự thật, sử dụng các thông tin chưa được kiểm chứng, đi sâu đời tư cá nhân, mô tả tỉ mỉ hành vi tội ác, đưa hình ảnh không phù hợp văn hóa Việt Nam.

Tuy chỉ là một số ít nhưng gây ảnh hưởng xấu với tư tưởng, dư luận xã hội, có tờ báo sai phạm kéo dài, có phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý làm ảnh hưởng xấu uy tín của người làm báo. Cần khắc phục trong thời gian tới.

2011 là năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội Đảng XI.

Các cơ quan quản lý, chỉ đạo và đội ngũ làm báo cần nghiên cứu quán triệt sâu sắc nghị quyết và các văn kiện của Đảng. Xin nêu thêm một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, báo chí phải tập trung tuyên truyền phục vụ tốt đợt sinh hoạt chính trị, nghiên cứu, học tập quán triệt nghị quyết, văn kiện đại hội Đảng. Tuyên truyền, giới thiệu các nội dung văn kiện, phản ánh không khí, thái độ nghiêm túc trong học tập, góp phần để quan điểm của Đảng được quán triệt sâu sắc.

Đồng thời, báo chí cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa 13, bầu cử HĐND các cấp là ngày hội toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao, đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước.

Thứ hai, hiện nay, do tác động của tình hình kinh tế thế giới, do những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế và của công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành ở nhiều cấp nên kinh tế đang gặp khó khăn. Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Báo chí cần tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp trên.

Đồng thời tuyên truyền tốt các ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện lớn của năm. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, tập thể, cá nhân tiên tiến, tăng cường nhận thức và đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong dân.

Thứ ba, báo chí cần tiếp tục tham gia tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng lãng phí, các tiêu cực và tệ ạn xã hội, chống lại tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận đảng viên và nhân dân. Phát huy tích cực vai trò của báo chí phát hiện, phê phán và lên án mạnh mẽ các hiện tượng tiêu cực, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân.

Thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí

Báo chí cần xác định "chống để xây", giữ vững ổn định xã hội, tăng niềm tin, xây dựng xã hội tốt đẹp, không để thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ chế độ. Điều này đòi hỏi bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao của đội ngũ phóng viên, tổng biên tập các cơ quan.

Báo chí cần tham gia tích cực cuộc đấu tranh chống lại âm mưu diễn biến hòa bình, phản bác các quan điểm thông tin sai trái vu cáo, xuyên tạc tình hình. Hiện, các thế lực thù địch chống phá ta hết sức quyết liệt nhưng việc đấu tranh phản bác của ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ báo chí phải là một trong những lực lượng nòng cốt.

Thứ tư, để thực hiện các nhiệm vụ trên đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ báo chí, và ý thức trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí.

Cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí, khen thưởng động viên kịp thời và xử lý nhắc nhở khi sai phạm.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với Ban Tuyên giáo và Hội nhà báo cùng cấp trong lĩnh vực tư tưởng.

Các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản phải nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ được giao, phối hợp nắm tình hình để chỉ đạo định hướng kịp thời, nhất là với các vụ việc quan trọng, phức tạp mới nảy sinh, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật với hoạt động báo chí, cơ chế chính sách nhà nước, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động.

Tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức, bản lĩnh và trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp. Phát hiện, nhắc nhở, uốn nắn, xử lý kịp thời và nghiêm minh mọi sai phạm. Biểu dương, khen thưởng phóng viên có bài hay, các cơ quan báo chí có nhiều đóng góp.

Với truyền thống vẻ vang hơn 80 năm của báo chí, chắc chắn rằng báo chí sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư

(Tiêu đề và tiêu đề phụ do VietNamNet đặt)