Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một diễn đàn thanh niên ở Moscow tuần trước đã nhắc nhở thế giới rằng "Nga là một trong những cường quốc hạt nhân mạnh nhất. Đây là thực tế".
Ảnh: foreignpolicy |
2 tuần trước đó, ngày 14/8 ở một hội nghị tại Yalta, Putin nói với Viện Duma quốc gia rằng, ông sớm lên kế hoạch làm "phương Tây bất ngờ về sự phát triển mới trong vũ khí hạt nhân". Khi các lãnh đạo NATO triệu tập cho hội nghị thượng đỉnh ở Wales, Nga ra tuyên bố, lực lượng hạt nhân chiến lược của họ sẽ tổ chức tập trận chưa từng có trong tháng này.
Về phần mình, Kremlin vừa khẳng định sẽ thay đổi học thuyết quân sự.
Nếu Barack Obama bước vào Nhà Trắng với hy vọng giảm bớt kho vũ khí hạt nhân thì dường như ông sẽ ra đi với một nước Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn hơn bao giờ hết kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Nhà phê bình Andrei Piontkovsky, nguyên giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Moscow, cũng là nhà bình luận chính trị cho hãng BBC cho rằng, Putin rất có thể dùng quân bài hạt nhân để thắng thế trong bế tắc hiện nay với phương Tây.
Piontkovsky viện dẫn hai phái với những lời khuyên để Putin giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina. Thứ nhất, "phái hòa bình", bao gồm những người có vị trí trong các tổ chức cố vấn mang tầm ảnh hưởng lớn. Ví dụ như Sergey Karaganov, phụ trách Trường kinh tế Moscow, với lời thúc giục Putin tuyên bố chiến thắng tại Ukraina và vì thế chấm dứt xung đột. Phái hòa bình lập luận, Moscow sẽ ngăn chặn Ukraina gia nhập NATO và khối này sẽ không mời một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vào hàng ngũ. Và Nga đã giành được sự chấp thuận từ cộng đồng quốc tế trong việc sáp nhập Crưm.
Piontkovsky bác bỏ khả năng Putin theo đuổi giải pháp này. Vì theo ông, khi Putin chọn con đường này, có nghĩa là chấp nhận thất bại.
Một phái khác cũng gia tăng áp lực với Tổng thống Nga - phái chiến tranh. Piontkovsky vạch ra một "kịch bản lãng mạn: Thế chiến IV giữa Nga và NATO" (ông này coi Thế chiến III đã xảy ra là cuộc Chiến tranh Lạnh). Do NATO có ưu thế về lực lượng vũ trang, và những yếu điểm của Nga về kinh tế, khoa học, công nghệ thì một cuộc chiến thông thường sẽ kết thúc với sự thất bại của Nga.
Và Putin chỉ có một chọn lựa - tấn công hạt nhân. Không phải là cuộc tấn công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa quy mô lớn vào Mỹ hay Tây Âu, mà là cuộc tấn công chiến thuật quy mô nhỏ nhằm vào một thành viên NATO nhưng phương Tây ít có khả năng sẵn sàng liều chết bảo vệ.
Đột nhiên, cơn ác mộng thành hiện thực: NATO đối mặt chiến tranh với Nga.
Piontkovsky tin rằng, NATO sẽ gặp khó khăn nếu Moscow tấn công vào một nước ở xa trung tâm của khối. Obama và các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ vấp phải sự phản đối của người dân. Piontkovsky viện dẫn cuộc thăm dò tại Đức khi được hỏi Berlin làm gì nếu Estonia xung đột vũ trang với Nga. 70% người được hỏi muốn nước của họ giữ quan điểm trung lập.
Kết quả cho cuộc chơi giả định của Putin là NATO phải đầu hàng. Uy tín của khối như người đảm bảo an ninh cho các thành viên bị phá hủy. Putin sau đó có thể tự do làm những gì ông muốn tại Ukraina hay bất kỳ nơi nào ông nhận thấy các lợi ích Nga bị đe dọa.
Tất cả có vẻ xa vời. Có nhiều lý do rõ ràng rằng, Putin không muốn dùng vũ khí hạt nhân nhằm vào bất cứ ai bởi nó khiến ông bêu xấu chính mình và cả vị thế của nước Nga trong lịch sử. Thế giới sẽ đoàn kết để chống lại ông và quyết định của ông cũng có thể làm tổn hại nền kinh tế đất nước - vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu lương thực và xuất khẩu năng lượng. Ở trong nước, phong trào phản chiến sẽ bùng nổ. Người Nga không muốn can thiệp quân sự trực tiếp và đó là lý do Kremlin luôn khẳng định không có quân đội trên đất Ukraina.
Nhưng hãy nhớ lại rằng, kể từ năm 2000, các học thuyết quân sự của Nga đã đưa ra các khái niệm làm giảm leo thang căng thẳng bằng việc sử dụng sức mạnh hạt nhân buộc đối phương chấp nhận trở lại hiện trạng trước đó. Nói cách khác, các học thuyết quân sự của Nga nói rằng Moscow sẽ sử dụng các cuộc tấn công hạt nhân hạn chế để đáp trả các cuộc tấn công quân sự thông thường chống lại nước này.
Và, điện Kremlin có lẽ đúng!
Thái An (theo foreignpolicy)