Nhiều tháng sau khi Nga sáp nhập Crưm và được cho là tăng cường hỗ trợ các phần tử ly khai ở miền đông Ukraina, châu Âu và Mỹ vẫn đang tìm kiếm một con đường để thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin thay đổi cuộc chơi.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế và lời đe dọa sẽ cứng rắn hơn dường như vẫn chưa làm thay đổi điều mà các quan chức phương Tây nói rằng, Moscow đang ngày càng tăng cường hỗ trợ quân nổi dậy ở Ukraina kể cả việc pháo kích các mục tiêu quân sự Ukraina ở phía đông nam nước này cũng như tăng nguồn cung cấp vũ khí.

{keywords}
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: salon

Mỹ vào hôm chủ nhật tuần qua đã đưa ra những hình ảnh vệ tinh mà họ nói là cho thấy rocket được bắn đi từ Nga vào miền đông Ukraina và pháo hạng nặng cũng đã tấn công xuyên biên giới. 

Những hình ảnh do cơ quan tình báo quốc gia Mỹ cung cấp và chưa được xác minh độc lập thể hiện dấu vết địa điểm rocket được bắn đi cũng như nơi đến của nó.

Theo Lầu Năm Góc, chỉ vài ngày trước, chuyển động của những hệ thống pháo hạng nặng Nga qua biên giới vào Ukraina là “sắp xảy ra”. Động thái leo thang quân sự không phải là điều mà phương Tây hy vọng sau khi áp đặt những biện pháp cấm vận mạnh tay hơn.

Putin đang đi trên dây

Trên thực tế, Putin đang đi trên dây trong vài tháng gần đây, phải hạn chế sự liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraina nhằm tránh lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Nhưng với vụ việc máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ ngày 17/7 (mà Mỹ và Ukraina đổ lỗi cho phiến quân thân Nga) có thể đã làm thay đổi tình hình, khiến cho một số nước châu Âu trước đây khá do dự trong quyết định cấm vận Nga thì nay đã sẵn sàng áp dụng những cách trừng phạt bổ sung.

Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận hơn nữa với Nga vào cuối tháng này. Còn Mỹ với những hình thức trừng phạt cứng rắn nhất dự kiến sẽ có động thái tương tự.

Tuy nhiên, theo quan chức Mỹ, bất chấp khó khăn, Nga vẫn chỉ thúc đẩy thêm vai trò của họ kể từ sau vụ MH17 khiến gần 300 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. 

Điều đó khiến Washington và Brussels bị lâm vào tình thế khó khăn hơn trong nỗ lực tìm kiếm “gót chân Asin” của Putin để tận dụng nó.

Trạng chết Chúa cũng băng hà

Các biện pháp cấm vận chưa đủ cứng rắn để Putin thay đổi hành xử trong khi những động thái ngoại giao của phương Tây không cô lập được Putin. 

Tuy bị ra khỏi nhóm G8 và hạn chế tiếp xúc với NATO, nhưng Tổng thống Nga vẫn được mời tham dự các lễ kỷ niệm cùng với các lãnh đạo phương Tây nhân 70 năm D-Day (ngày quân đồng minh đổ bộ vào Pháp phán quyết số phận Đức quốc xã) tại Pháp. 

Trong tuần này, Pháp cho biết sẽ thúc đẩy việc bán hai tàu chiến cho Nga trong thỏa thuận lớn nhất về thiết bị quân sự của một quốc gia NATO với Moscow.

Cùng lúc đó, Nga đang tự siết chặt những mối quan hệ với BRICS gồm 5 nền kinh tế lớn đang trỗi dậy là Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi. 

Một phần vì lẽ này mà quan chức Mỹ nói, hiện chưa có cân nhắc nghiêm túc trong nỗ lực cấm Nga tham gia những sự kiện ngoại giao. Thay vào đó, cách tiếp cận cấm vận vẫn là trọng tâm.

28 quốc gia EU có đòn bẩy lớn hơn với Nga, nhưng cho tới nay, EU vẫn kiềm chế việc áp đặt trừng phạt rộng hơn phần vì bất đồng trong các thành viên, phần vì lo ngại phản ứng ngược về kinh tế. Tuy nhiên, với vụ MH17 khiến gần 200 công dân EU tử nạn, thì chuyện trừng phạt cứng rắn hơn là điều khó tránh khỏi.

"Đây không còn là một cuộc chiến ở nơi nào đó xa xôi”, Amanda Paul, nhà phân tích tại Trung tâm chính sách châu Âu ở Brussels nói. 

“Nếu họ không áp dụng cấm vận mạnh hơn, thì sẽ đặt ra sự hoài nghi lớn về sự tín nhiệm của EU”, bà cho biết. “Đó là cách duy nhất khiến Nga rút lui. Khi các doanh nghiệp và tập đoàn bị tác động về mặt kinh tế, họ sẽ bắt đầu xem xét về các chính sách của Putin”. 

EU đã tuyên bố lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của 15 người gồm người đứng đầu cơ quan An ninh liên bang Nga, người phụ trách bộ phận giám sát các hoạt động tình báo quốc tế. 4 thành viên Hội đồng An ninh quốc gia của Nga cũng nằm trong danh sách này. 

Nga phản ứng cho rằng, động thái này gây nguy hiểm cho cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và rằng Mỹ đã nói dối trắng trợn khi cáo buộc Nga liên quan trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi.

Nhiều nhà vận động hành lang kinh doanh tại châu Âu đã cảnh báo chống lại các biện pháp trừng phạt cứng rắn. Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp Đức cho biết, khoảng 300.000 việc làm trông chờ vào những hoạt động xuất khẩu sang Nga. Thêm vào đó, Moscow có thể khiến ít nhiều trong số 6.000 hãng Đức đang hoạt động tại Nga gặp khó khăn.

Theo dự đoán của giới phân tích, trong cuộc chơi cấm vận, Nga sẽ chịu tổn thất hơn khi EU chỉ có 7% xuất khẩu sang Nga trong khi Nga có tới 45% xuất khẩu sang EU.

Thái An (theo ABCnews)