“Quá nhiều đau khổ đang diễn ra ngày hôm nay do bàn tay tàn bạo của những kẻ hiếu chiến và những tên khủng bố", Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói khi kỷ niệm Ngày quốc tế Hòa bình năm nay (21/9).
Nếu không thể liệt kê được hết các chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức quốc tế toàn cầu phức tạp như LHQ thì chỉ cần hiểu một cách đơn giản - mục đích tối thượng của LHQ là đảm bảo nhân loại không rơi vào miệng hố chiến tranh thêm một lần nào nữa. Điều này được ghi ở ngay câu đầu tiên của Hiến chương LHQ, khi tổ chức này được thành lập năm 1945 sau Thế chiến thứ II.
Khát vọng hòa bình đó hiện diện ở khắp các ngóc ngách trong Tổng hành dinh của LHQ ở New York (Mỹ) và có lẽ ở các trụ sở khác trên thế giới, nơi các nhà ngoại giao đến từ mọi quốc gia thành viên và các nhân viên mẫn cán của LHQ cùng nhau làm việc để tìm cách giải quyết những cuộc xung đột dường như chưa bao giờ chấm dứt.
Trong đó, biểu tượng quan trọng nhất là Chuông Hòa bình treo ở trung tâm vườn hoa trước mặt Tổng hành dinh LHQ. Đây là món quà của nhân dân Nhật Bản - những người hiểu rõ hơn ai hết sự tàn khốc của chiến tranh với hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị tàn phá bởi bom nguyên tử trong Thế chiến thứ II.
Tổng
thư ký LHQ Ban Ki-moon rung Chuông Hòa bình. Ảnh: UN
Chuông được đúc từ những đồng xu do phái đoàn 60 nước thành viên tham dự khóa họp Đại hội đồng lần thứ 13 năm 1951 tại Paris (Pháp) đóng góp. Những đồng xu do trẻ em thu thập được người Nhật đúc thành chuông gửi tặng LHQ năm 1954, khi đất nước thua cuộc trong Thế chiến thứ II này còn chưa là thành viên chính thức của LHQ, như một thông điệp tha thiết về khát vọng hòa bình tột cùng.
Và kể từ khi LHQ năm 1981 chọn ngày 21/9 hàng năm làm Ngày quốc tế Hòa bình, đồng thời là ngày mở màn khóa họp thường niên của Đại hội đồng LHQ, chuông luôn vang lên trong một buổi lễ trang trọng.
Tại buổi lễ năm nay, tổ chức hôm 19/9, chuông cũng được đánh bởi Tổng thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng của năm. Trước khi rung chuông, ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên đang tham chiến trên thế giới vứt bỏ vũ khí "để tất cả đều được hít thở bầu không khí hòa bình".
“Chúng ta phải dập tắt những ngọn lửa của chủ nghĩa cực đoan và xử lý bằng được nguyên nhân gốc rễ của xung đột”, Tổng thư ký LHQ nói. Đằng sau ông là 193 lá cờ của các quốc gia thành viên tung bay trong âm thanh tha thiết của ca khúc bất hủ Imagine của John Lennon.
Sau 69 năm, LHQ vẫn chưa đưa được thế giới đến viễn cảnh như lời bài hát - “tưởng tượng tất cả mọi người đều sống trong hòa bình". Ngay khi buổi lễ diễn ra, tiếng súng vẫn vang lên ở Syria, Iraq, Ukraina, Gaza... Bạo lực vẫn đang khiến hàng nghìn dân thường bỏ mạng và rơi vào cảnh tị nạn.
“Xung đột vũ trang đã gây ra những nỗi đau không thể kể hết đối với các gia đình, cộng đồng và các quốc gia”, Tổng thư ký nói. “Quá nhiều đau khổ đang diễn ra hôm nay do bàn tay tàn bạo của những kẻ hiếu chiến và những tên khủng bố".
Và khắc họa hình ảnh đó rõ nét nhất có lẽ là bức tượng lớn đặt ngay cổng vào Tổng hành dinh LHQ mà đứng từ ngoài đường nhìn vào cũng thấy. Một phần bức tượng là con rồng hai đầu với thân là vỏ các tên lửa hạt nhân - sự tham lam không có điểm dừng của chiến tranh.
Bức tượng Thiện thắng Ác tại tổng hành dinh LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh: Chung
Hoàng
Nhưng cũng như con rồng là một hình ảnh xa xưa cổ đại, thì chiến tranh cũng là một thứ cổ lỗ lạc hậu. Và phần còn lại của bức tượng chính là hình ảnh Thánh George dũng mãnh tiêu diệt con rồng. Bức tượng có tên "Thiện thắng ác" (Good Defeats Evil), tác phẩm của nhà điêu khắc Zurab Tsereteli người Georgia, do Liên bang Xô-viết gửi tặng LHQ năm 1990, được coi là biểu tượng của nỗ lực giải trừ vũ trang.
Điều đó có nghĩa là chiến tranh có thể ngăn chặn được, bằng nhiều cách trong đó có nỗ lực mà LHQ vẫn làm hàng ngày từ 69 năm nay - đưa các quốc gia lại ngồi với nhau để đối thoại dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Như một nhân viên kỳ cựu của LHQ giải thích về logo của LHQ - hình ảnh trái đất nhìn từ trên xuống, tất cả các quốc gia đều có mặt, không có sự phân biệt. Đó là nguyên tắc mà LHQ kiên định để đưa mục tiêu “cứu các thế hệ tiếp theo khỏi thảm họa chiến tranh” trở thành sự thật chứ không chỉ tồn tại trong những biểu tượng ở tổng hành dinh.
Chung Hoàng (từ New York)