- Giám sát nếu chỉ đọc trên tài liệu thì không đủ. Bản thân Chủ tịch MTTQ khóa mới đã chuẩn bị tinh thần rèn luyện sức khỏe cho công việc không dễ này.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nói tại họp báo ngay sau khi Đại hội MTTQ kết thúc chiều nay, trong đó ông được tín nhiệm hiệp thương tiếp tục làm Chủ tịch MTTQ nhiệm kỳ 2014-2019.
Hà nội mới: Thành công lớn nhất của Đại hội là gì?
Lý do gì ban đầu dự kiến ra lời kêu gọi nhưng đến nay chưa thấy?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Thành công lớn nhất Đại hội là hoàn thành
nội dung yêu cầu chương trình Đại hội đặt ra. Còn cụ thể chúng tôi thấy đạt được các kết
quả sau:
Thứ nhất là đại biểu
đã nhất trí với báo cáo chính trị, đồng tình với việc đánh giá tình hình chung cũng
như các mục tiêu đề ra.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân |
Thứ hai, UB TƯ khóa trước cùng các cơ quan đã dự thảo đổi mới, sửa đổi điều lệ
MTTQ, phản ánh yêu cầu giai đoạn mới và các bài học qua Đại hội vừa qua. Điều lệ
này cũng đã bổ sung thêm ý kiến của đại biểu và chúng tôi sẽ tiếp thu, hoàn
chỉnh sau Đại hội.
Thứ ba là dịp để kiểm điểm xem UB TƯ, đoàn chủ tịch, ban thường trực vừa qua đã
lãnh đạo Mặt trận như thế nào. Chúng tôi thấy báo cáo cũng đã
được trình bày, góp ý và chúng tôi cũng có sửa trong đánh giá đó cho sát thực
tiễn hơn nữa và Đại hội đã thông qua.
Thứ tư, Đại hội đã được sự quan tâm cao của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà
nước. Buổi khai mạc rất đông các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban bí thư, lãnh
đạo bộ, ban, ngành đến dự, đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát
biểu chỉ đạo, có yêu cầu mới với Mặt trận, chúng tôi rất tâm đắc với bài phát biểu
của Tổng bí thư
Thứ năm là trách nhiệm với Đại hội là phải hiệp thương cử được những người có uy
tín, năng lực đóng góp vào Mặt trận trong thời gian tới, và UB TƯ, đoàn chủ tịch,
ban thường trực, cử ra phó chủ tịch không chuyên trách. Đây là việc làm không
phải hình thức, chuẩn bị kỹ những đại biểu có quyền chất vấn, có quyền kiến nghị.
Hiệp thương cử ban thường trực hôm họp đó rất dân chủ, cởi mở, có những ý
kiến phát biểu rất thẳng thắn.
Trên cơ sở đó, hiệp thương cử đoàn chủ tịch cũng như ban thường trực.
Còn nội dung thì UB TƯ lần này đông hơn trước 30 người, phản ánh nhu cầu
tăng cường đại diện, và tất cả 30 người tham dự này chỉ nằm khu vực cá nhân tiêu
biểu.
Rèn sức khỏe
VTV: Suy nghĩ của tân Chủ tịch và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ
mới, sau Đại hội này, chương trình hành động của cá nhân Chủ tịch như thế nào?
Tổng quát chương trình hành động của tôi là chương trình của Đại hội.
Mình bám cái này mình hoạt động thôi, với tư cách Chủ tịch mình có bàn bạc tập thể, có lộ trình chi tiết trong công tác 3 tháng cuối năm, triển khai cái này đồng thời chuẩn bị năm sau và một số lĩnh vực mình trực tiếp nhận và sẽ tham gia. Ví dụ chúng tôi có phân công dự kiến là khi triển khai giám sát việc đóng BHXH cho người lao động trong các doanh nghiệp mà Mặt trận đã ký với Liên đoàn lao động, với BHXH, chúng tôi phân công và tôi có nói tôi sẽ đi dự một số cuộc giám sát ban đầu.Với tinh thần đó các phó chủ tịch phân công, hoặc khi chúng tôi triển khai chương trình giám sát chất lượng dịch vụ y tế tư nhân và thống nhất với Bộ Y tế, Tổng hội Y học VN và Hội y dược VN sẽ bắt đầu vào quý 4 này và giám sát tại Hà Nội, Hải Dương.
Tức những việc mới chưa làm bao giờ, trực tiếp những người lãnh đạo cao nhất phải có sự tham gia và rút kinh nghiệm, dự kiến sau đó năm sau với làm giám sát chất lượng y tế tư nhân. Bám sát chương trình Đại hội, nhận trách nhiệm cá nhân và cố gắng rèn luyện sức khỏe để theo thật tốt việc này.
Trách nhiệm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia
VietNamNet: Giữ vững độc lập chủ quyền là một vấn đề được nêu bật tại Đại hội lần này. Trong bài phát biểu của Chủ tịch MTTQ, Phó Tổng thư ký MTTQ đã nêu bật thách thức trong tình hình mới, trong đó chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Nhiệm vụ, mục tiêu chung về giữ vững độc lập, chủ quyền được nhấn mạnh trong bài phát biểu của Tổng bí thư tại Đại hội. Vậy Chủ tịch MTTQ trăn trở, tâm tư điều này thế nào và sẽ làm gì để MTTQ phát huy vai trò trung tâm đoàn kết trong giữ vững độc lập, bảo vệ chủ quyền?
Có ý kiến nói phải ghi rõ "bảo vệ chủ quyền quốc gia" vào ngay tiêu đề của báo cáo. Bảo vệ chủ quyền quốc gia là hết sức thiêng liêng, không chỉ trên biển mà cả trên đất liền. Cuối cùng chúng tôi chọn ghi là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chữ trong tình hình mới đó phản ánh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia khác trước. Và tình hình mới thì cách làm phải phù hợp.
Chăm lo kiều bào
VOV: Qua các phỏng vấn của chúng tôi với trí thức kiều bào, họ bày tỏ mong muốn Chủ tịch là trí thức sẽ quan tâm đội ngũ kiều bào trí thức, làm thế nào phát huy sức mạnh mà không có rào cản nào. Kiều bào là một bộ phận quan trọng. Vậy trong nhiệm kỳ của mình, ông quan tâm phát huy sức mạnh kiều bào trong khối đại đoàn kết dân tộc như thế nào?
Theo ước lượng thực tế, kiều bào ở nước ngoài có gần 4,5 triệu người. Nguồn lực này càng tăng do xu hướng phát triển, du học... giờ ước có gần 400 nghìn kiều bào trí thức. Đây là nguồn lực trí tuệ rất quan trọng. Về khả năng đóng góp tài chính thông qua đầu tư, chuyển tiền về Việt Nam cũng rất nhiều, quy mô ngày càng tăng...
Mặt trận có Ban đối ngoại kiều bào. Ngày xưa chỉ có đối ngoại, tái cơ cấu chức năng bộ máy. Nhưng chúng tôi nhận thức bộ máy chuyên trách của Mặt trận không thể đủ sức làm mà trong Mặt trận có nhiều tổ chức thành viên như VUFO, Hội liên lạc người VN ở nước ngoài...
Sau Đại hội sẽ cụ thể hóa chương trình hiệp thương công tác hữu nghị nhân dân và kiều bào của Mặt trận.
Về cơ cấu, lần đầu tiên có một ủy viên đoàn chủ tịch của Mặt trận khóa này là người VN ở nước ngoài, khóa trước chỉ có ủy viên UB TƯ, mỗi năm họp một lần.
'Giám sát không cẩn thận là họ không nói'
Trung tâm truyền hình báo Nhân Dân: Công tác giám sát, phản biện nhiệm kỳ tới của Mặt trận sẽ được phát huy thế nào không chỉ ở cấp trung ương mà cả địa phương?
Giám sát là việc khó làm lắm. Giám sát nếu chỉ ngồi đọc trên tài liệu rồi nhận xét kết luận về hoạt động thực tiễn thì không đủ, phải đi thực tiễn.
Theo quy định hiện nay thì MTTQ hỏi họ không trả lời đâu. Như cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thì trả lời Sở Y tế, chứ họ không có nghĩa vụ phải trả lời Mặt trận. Luật pháp không quy định họ trả lời mình nên nếu đi giám sát họ không trả lời, không cung cấp số liệu thì làm sao giám sát? Nói vui là chúng tôi đi giám sát không cẩn thận hỏi là họ không nói. Đấy là một vế khó. Mặt trận không có chế tài.
Vậy có làm được không? Hiến pháp có điều 69 mở, nói về hoạt động của Chính phủ phối hợp MTTQ VN và các đoàn thể trung ương... Nếu Chính phủ thấy cần giám sát đơn vị nào đó theo luật pháp thì Chính phủ hoặc giao cho thanh tra chuyên ngành, thanh tra Chính phủ nhưng có thể giao MTTQ giám sát. Lúc đó nếu có văn bản của hệ thống nhà nước giao MTTQ giám sát thì chúng tôi đi làm được, có quyền đi.
Vừa qua, MTTQ báo cáo Thủ tướng và chấp nhận triển khai 5 nội dung giám sát, giao cho 5 bộ ngành trung ương cùng MTTQ làm thì lúc đó chúng tôi có cơ sở cùng các bộ đi xuống yêu cầu người ta báo cáo. Đã ký nội dung: giám sát thực hiện chính sách cho người có công, đóng bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ y tế tư nhân..
Chế tài thì Mặt trận không có. Nhưng trong thỏa thuận của Mặt trận với các tổ chức, như Bộ Y tế, khi đoàn giám sát Mặt trận đi, kết quả sẽ giao Bộ Y tế, nếu thấy cần chế tài thì họ sẽ giám sát, kiểm tra...
Mặt trận giám sát nhiều nhưng không có chuyên môn. Năm tới sẽ có Mặt trận các cấp giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân. 2 tổ chức thành viên là Hội Luật gia VN và Liên đoàn luật sư VN sẽ cùng Mặt trận giám sát nội dung này. Giám sát đến đâu phải kiểm điểm sức mình đã, nếu chưa đủ sức thì làm dần dần.
L.Thư - H.Nhì - X.Quý - H.Phúc - M.Thăng