- Tuyên bố gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN phản ánh mức độ quan hệ Việt - Mỹ diễn tiến tích cực. Nhưng việc dỡ bỏ một phần chứ không phải toàn bộ cho thấy ẩn ý hai bên cần đẩy mạnh giao lưu trao đổi, thúc đẩy sự tin tưởng, quan hệ lên một bước cao hơn.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao đánh giá những diễn biến tích cực trong quan hệ song phương Việt - Mỹ nhìn từ hàng loạt hoạt động trao đổi trên các lĩnh vực
|
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Trần Việt Thái |
"Quan hệ hai nước Việt - Mỹ thời gian qua có mấy điểm đáng chú ý, nhất là việc giao lưu và trao đổi đoàn diễn ra sôi động trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ (1995-2015). Có thể nhắc đến gần đây nhất là đoàn thăm chính thức Mỹ của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và chuyến thăm chính thức Mỹ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa diễn ra ngày hôm qua. Phía Mỹ gần đây có một số đoàn thăm VN, đó là đoàn TNS John McCain, một số đoàn TNS khác, đoàn của chính quyền cũng như Quốc hội Mỹ.
Quan hệ Việt-Mỹ có tiến triển tích cực trên các lĩnh vực như quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư tăng khá nhanh. Về an ninh quốc phòng, hai bên đã thiết lập kênh đối thoại ngày càng thẳng thắn, cởi mở. Và như trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, phía Mỹ tuyên bố dỡ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho VN.
Tuyên bố này phản ánh mức độ quan hệ diễn tiến tích cực. Nhưng việc dỡ bỏ một phần chứ không phải toàn bộ cho thấy ẩn ý hai bên cần đẩy mạnh giao lưu trao đổi, thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ lên một bước cao hơn.
Quyết định mới nhất của phía Mỹ liên quan quan hệ song phương là dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN phản ánh sự tiến bộ trong quan hệ song phương giữa hai nước như ông đề cập. Theo quan sát của ông, liệu quyết định này có nằm trong một phần chiến lược xoay trục của Mỹ không?
Rõ ràng VN chiếm một vị trí chiến lược ở Đông Nam Á và châu Á-TBD. Kể từ 2009, Mỹ có bước chuyển cơ bản về chính sách đối với châu Á-TBD. Tôi nghĩ rằng, khi thúc đẩy quan hệ với VN, họ cũng tính toán trong tổng thể chiến lược của họ đối với khu vực.
Hai bên có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của Mỹ có nhiều điểm thuận lợi cho VN. Ví dụ như Mỹ ủng hộ việc sử dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Hoặc là trong lĩnh vực kinh tế thương mại thúc đẩy quan hệ với VN, một nền kinh tế nổi lên trong khu vực có lợi cho các DN Mỹ.
Nhân tố cân bằng quan trọng
2015 là một mốc quan trọng trong quan hệ song phương VN và Mỹ - kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Dư địa nào để hai nước có thể tiến tới những bước tiến tương tự như vừa đạt được không?
Tôi cho rằng, dư địa quan hệ giữa VN và Mỹ còn nhiều. Vừa qua hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện. Đây là một bước phát triển tích cực. Trước hết hai nước phải triển khai tốt thỏa thuận này, đi vào thực chất thỏa thuận làm sao biến quan hệ hữu nghị và hợp tác thành những dự án có lợi cho cả hai bên.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Vietnam+ |
Như về kinh tế, thương mại, kể từ khi hai nước ký BTA, Mỹ trở thành thị trường lớn của VN. Trong công nghệ cao, khoa học công nghệ, giáo dục, các lĩnh vực khác của Mỹ đều có tiềm năng to lớn. Nếu VN biết tận dụng tốt những ưu thế này của Mỹ sẽ rất có lợi cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Mọi động thái của Mỹ ở khu vực này đều được các nước theo dõi kỹ và là một nhân tố cân bằng quan trọng.
Nếu VN khai thác được khía cạnh chiến lược này sẽ tạo thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của mình, trên cả ba mặt bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh, khai thác điều kiện thuận lợi phát triển, và phát huy ảnh hưởng vị thế của VN ra bên ngoài.
VN và Mỹ đang tiến tới hoàn tất thông qua TPP cho thấy sự tương thuộc kinh tế ngày càng lớn trong quan hệ song phương. Liệu đây có thể là tiền đề tin cậy, tạo thuận lợi cho xây dựng sự tin cậy lớn hơn trong quan hệ chính trị giữa hai nước?
Đúng vậy. Hiệp định thương mại song phương (BTA) đã đưa quan hệ song phương bước một bước tiến dài với mức tăng trưởng thương mại nhảy vọt. Nếu TPP được hoàn tất và thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả hai nước. TPP sẽ tiếp tục góp phần củng cố cơ sở lợi ích chung về kinh tế thư\ơng mại mà hai nước đã có kể từ khi bình thường hóa quan hệ kinh tế thương mại ngày càng sâu sắc sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, đàm phán TPP đang có những khó khăn nhất định, nhất là từ phía Mỹ với bầu cử nội bộ sắp cận kề. Nếu trong năm nay không có đột phá nào, lùi lại sang năm tới tiến trình đàm phán sẽ càng khó khăn hơn do nội bộ Mỹ phải tập trung vào kỳ bầu cử sắp tới, có thể khiến quá trình đi đến hoàn tất TPP lùi lại một vài năm.
Việc Mỹ mời Nhật Bản tham gia đàm phán TPP ở giai đoạn quan trọng này cũng làm phức tạp thêm quá trình đàm phán. Nhưng tôi tin lãnh đạo các nước sẽ có những quyết định chính trị để không bỏ lỡ cơ hội.
Gần đây, Mỹ đưa ra ý tưởng "Đông kết" trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Theo quan sát của ông, đề xuất này phản ánh ý đồ của Mỹ như thế nào, quan điểm của VN ra sao?
Nếu nói ý đồ của Mỹ thì hơi nặng. Thực tế ý tưởng Đông kết được Mỹ coi là đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Nhìn kỹ lại bản chất của ý tưởng Đông kết này không khác lắm so với nội hàm điều 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Điều 5 quy định rõ các bên liên quan không được đưa người, vật liệu, mở rộng lấn chiếm các đá, đảo, các bãi ngầm không người ở ở Trường Sa, không làm phức thêm tình hình.
Nói cách khác, DOC là cam kết duy trì nguyên trạng, cam kết giải quyết tranh chấp thông qua giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Điểm tế nhị ở chỗ, ý tưởng Đông kết là của Mỹ. Một số nước cảm thấy không thoải mái với việc Mỹ can dự vào công việc của khu vực.
Trong khi đó, vừa qua trong các hội nghị của ASEAN, đề xuất của VN về việc thực thi nghiêm chỉnh, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, trong đó nhấn mạnh điều 5, thưc chất bao gồm nội hàm của ý tưởng mà Mỹ đưa ra. Đề xuất này được các nước ASEAN và cả TQ ủng hộ vì là cách tiếp cận mềm mỏng và hợp lý.
Xuân Linh