- Báo cáo Thường vụ QH hôm nay (7/10), Chính phủ cho biết năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm, nhưng số đoàn đông người tăng.

Cụ thể, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo (KNTC) giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%.

"Có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt. Cá biệt có một số đoàn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, nhiều ngày tập trung trước cổng trụ sở các cơ quan trung ương, trước nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết. Đáng chú ý, có một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo công dân khiếu nại đông người có hành vi quá khích, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Phần lớn các vụ việc đông người, phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước; nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài", báo cáo nêu rõ.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý: Cần khẩn trương ban hành luật Biểu tình. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý cho rằng đây là một vấn đề cần được Chính phủ lý giải thấu đáo hơn, đặc biệt về thái độ chống đối quyết liệt của người dân đối với các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước.

Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Ksor Phước thì cảnh báo đây sẽ vẫn là thách thức phức tạp trong năm 2015 khi ta vẫn chưa hoàn thiện các pháp luật bảo vệ quyền tự do của công dân theo Hiến pháp mới.

Theo ông Lý, nguyên nhân quan trọng là ở các cán bộ trực tiếp làm việc với người dân. Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định "trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân".

Chủ nhiệm UB Pháp luật QH muốn Chính phủ làm rõ hơn tình trạng trên là do hạn chế của đội ngũ cán bộ hay là do "cứ người năng lực kém thì bổ nhiệm" vào các vị trí tiếp dân, tiếp nhận khiếu nại tố cáo, khiến công tác này vẫn hình thức và sai sót. Nhất là ở không ít nơi, người đứng đầu các cơ quan nhà nước không trực tiếp tiếp dân theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, kiến nghị mà cơ quan thẩm tra đưa ra là: Tăng cường công khai, minh bạch khi đối thoại với người dân, tăng cường đối thoại trực tiếp để giải quyết các khiếu nại, tố cáo ngay ở cấp cơ sở, giảm thiểu tình trạng vượt cấp, đông người...

"Nếu kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo sai thì phải nhận sai và kiên quyết sửa chữa", ông Phan Trung Lý nhấn mạnh. "Khi làm các dự án liên quan đến đất đai thì người dân phải được hỏi ý kiến".

Đặc biệt, UB Pháp luật QH kiến nghị khẩn trương ban hành luật Biểu tình để có cơ sở đảm bảo tốt hơn quyền của công dân, góp phần giảm những căng thẳng trong vấn đề khiếu nại, tố cáo, cũng như trong quan hệ giữa người dân và các cơ quan nhà nước.

Chung Hoàng