Khi hải quân của mình còn kém xa hải quân Mỹ, thậm chí không thể bắt kịp trong một thời gian dài, Bắc Kinh đã tìm cách phát triển các loại vũ khí để giữ chân các tàu sân bay của Mỹ tránh xa bờ biển TQ.

TQ, Nga, Mỹ 'giành giật' không phận quốc tế


{keywords}
Ảnh: Getty Images

Mỹ thích nói về việc hợp tác với TQ, nhưng rõ ràng là hải quân của họ giờ đây đang tập luyện để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột có thể xảy ra. Phóng viên hãng BBC Rupert Wingfield-Hayes sau chuyến thăm tàu sân bay USS George Washington nhận định.

Trên boong tàu có những tiếng ồn tôi chưa từng nghe qua. Cách chỗ tôi đứng không xa, có 11 chiếc máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornets đang chờ đợi cất cánh. Một chiếc bắt đầu vào bệ phóng. Vài giây sau, các thủy thủ trên boong tiếp tục vận hành chiếc thứ hai.

Khi bạn thử tìm câu trả lời cho vấn đề "Mỹ đang thực hành tập luyện tác chiến đối phó với TQ ra sao?", bạn có thể đọc thấy kiểu PR thế này: "Hải quân Mỹ không luyện tập chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào".

Nhưng rõ ràng hải quân Mỹ không tập hợp hai nhóm tàu sân bay chiến đấu và 200 máy bay ở ngoài khơi bờ biểm Guam chỉ là để vui vẻ. Họ đang thực hiện cái mà Lầu Năm Góc gọi là "Tác chiến Không Hải". Khái niệm này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2009, được thiết kế riêng cho việc đối phó với mối đe dọa đang trỗi dậy từ TQ.

Vài phút sau đó, tôi đứng trên tàu George Washington với Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, chỉ huy nhóm tàu tác chiến số 5. Lực lượng của ông đang tập luyện cái mà ông gọi là kịch bản "chống tiếp cận".

Kịch bản đặt ra trong hoạt động diễn tập tác chiến lần này là George Washington bị tấn công. Một phần con tàu bốc cháy, và những người trên tàu đang nhanh chóng kiềm chế, khắc phục tổn thất.

Montgomery cho biết. "Chúng tôi đang nói về khả năng hoạt động không giới hạn ở các vùng biển mà chúng tôi chọn lựa. Khi một số nước đang ngày càng phát triển nhiều vũ khí chống tiếp cận hiện đại, chúng tôi phải xây dựng và phát triển các chiến thuật, công nghệ và quy trình để tiếp tục hoạt động một cách tự do".

Chuẩn đô đốc Mỹ không nói chi tiết về các hoạt động tập luyện. Nhưng tàu và máy bay của ông đang phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ từ không, biển, đất, không gian và không gian ảo.

"Một số nước có khả năng loại bỏ vệ tinh hoặc hạn chế vệ tinh thông tin liên lạc. Nên chúng tôi phải thực hiện diễn tập trong môi trường bị từ chối hoặc không thể tiếp cận thông tin liên lạc".

Theo giới phân tích, khi hải quân của mình còn kém xa hải quân Mỹ, thậm chí không thể bắt kịp trong một thời gian dài, Bắc Kinh đã tìm cách phát triển các loại vũ khí khác để ngăn chặn và giữ chân các tàu sân bay của Mỹ tránh xa bờ biển TQ.

Hệ thống vũ khí đó bao gồm các loại tàu ngầm mới yên tĩnh hơn, tên lửa chống hạm siêu thanh tầm xa và đáng lo ngại nhất là tên lửa đạn đạo tầm trung được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay".

Trong 10 năm qua, Bắc Kinh thường xuyên lặp lại khẩu hiệu "trỗi dậy hòa bình" để cố trấn an láng giềng về sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của họ là không đáng lo ngại. 

Nhưng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo năm ngoái, nước này giờ đây đang không ngừng yêu sách và củng cố yêu sách chủ quyền ở những khu vực vượt xa đường bờ biển của họ.

Các tàu TQ thường có những hoạt động tuần tra gây hấn ở Senkaku/Điếu Ngư - quần đảo họ tranh chấp với Nhật - tại Hoa Đông. Bắc Kinh không ngại ngần đổ nhiều tỉ USD vào việc tạo dựng các đảo nhân tạo mới ở Biển Đông để "bọc lót" tích cực cho tuyên bố chủ quyền. Hồi tháng 8, một máy bay chiến đấu TQ đã lượn sát cạnh máy bay giám sát Mỹ ở không phận quốc tế tại Biển Đông.

Theo Chuẩn đô đốc Montgomery, tất cả điều này khiến cho vai trò của Hải quân Mỹ trong khu vực trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 

"Chúng tôi đã ở đây gần 70 năm. Tôi cho rằng, Hải quân Mỹ đóng một vai trò tốt cho dù ở Biển Đông hay Hoa Đông, góp phần ổn định, trấn an các đối tác, và ngăn chặn các đối phương hành động một cách không minh bạch hoặc phi pháp".

Nhưng mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh là chiếm lĩnh vùng biển ở gần bờ biển của họ. Nếu hải quân Mỹ ngăn chặn điều này, xung đột sẽ là điều không tránh khỏi. Và lúc đó có thể từ Tokyo đến Manila, các chính phủ đều rất "đón chào" sự hiện diện của các nhóm tàu sân bay tác chiến của Mỹ.

Thái An (theo BBC)