- Về tâm lý, có thể người nhận tín nhiệm thấp sẽ muốn từ chức để tránh cuộc bỏ phiếu mà kết quả sẽ không thay đổi số phận - ĐB Tô Văn Tám nói.

Thảo luận dự thảo luật Tổ chức QH hôm nay (22/10), các ĐB đều muốn nêu cao tiêu chuẩn lựa chọn những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), tiêu chuẩn của ĐBQH phải cao hơn tiêu chuẩn các của cán bộ, công chức khác. "Trung thành với Tổ quốc thì đúng rồi, nhưng ĐB còn phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân để mỗi khi phát biểu hoặc ấn nút thông qua một vấn đề quan trọng, như tới đây là chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, thì phải đứng trên lập trường lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân mà quyết định", ông Đương nói.

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương: ĐB chuyên trách đừng chọn người có chức vụ

ĐB TP.HCM cũng muốn làm rõ năng lực quan trọng nhất của ĐBQH là đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân: "Để tránh tình trạng phát biểu ý kiến của người khác, lấy bài của người khác ra đọc trước nghị trường, hoặc phát biểu xuôi chiều, không có tính phản biện, thì ĐBQH phải là người có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động. ĐB phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri về hành vi, lời nói của mình".

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chia sẻ nhận định này: Tiêu chuẩn quan trọng nhất của ĐBQH là được cử tri tín nhiệm, tin tưởng. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm thì muốn ĐBQH phải "trung thực, có bản lĩnh để nêu chính kiến của mình, nhận diện được đúng sai phải trái".

Còn ĐB chuyên trách, theo ông Đỗ Văn Đương, phải có tiêu chuẩn cao hơn: Phải từng trải, tinh thông nghiệp vụ, lĩnh vực mà mình phụ trách để phát hiện được các vấn đề bất cập, bất hợp lý khi thẩm tra báo cáo, giám sát. "ĐB chuyên trách ít nhất phải là chuyên viên cao cấp, vì chất lượng chung thì đừng chọn người có chức vụ", ĐB TP.HCM nói.

ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đồng tình khống chế tỉ lệ ĐBQH là cán bộ quản lý, nhưng lại kiến nghị mở rộng cho các cán bộ quản lý sau khi về hưu có thể tham gia QH.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì muốn số ĐB chuyên trách phải đạt 50% chứ không chỉ 35% như trong dự thảo luật: "Có người nói kiếm khó. Nhưng lựa chọn trong 86 triệu dân sẽ không thiếu người tài".

{keywords}
ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Trong 86 triệu dân không thiếu người tài

'Có thể' hay 'phải' từ chức

Dự thảo luật Tổ chức QH (sửa đổi) quy định người có từ 2/3 tổng số ĐBQH, HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều ĐB cho rằng tỉ lệ này quá cao, chỉ cần 1/2 tổng số ĐB đánh giá tín nhiệm thấp là đủ để bỏ phiếu tín nhiệm.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) thì đề nghị nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì nên quy định để người này được quyền từ chức.

{keywords}
ĐB Tô Văn Tám: Nên quy định 'được quyền từ chức'

"Về mặt tâm lý, để có kết quả tín nhiệm thấp như vậy có thể họ sẽ muốn từ chức để tránh cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả sẽ không thay đổi số phận. Nếu họ có quyền từ chức thì QH không cần phải bỏ phiếu tín nhiệm một lần nữa”, ông Tám nói.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) thậm chí còn muốn thay đổi từ "có thể từ chức" thành "phải từ chức" nếu bị đánh giá tín nhiệm quá thấp.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thì quan tâm đến quy định về bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh việc kiến nghị bỏ phiếu bằng văn bản, ông Nghĩa muốn ĐBQH có thể kiến nghị trực tiếp việc này tại phiên họp toàn thể. ĐB Đà Nẵng cũng đề nghị QH gấp rút xây dựng luật Trưng cầu ý dân.

Chung Hoàng - Ảnh: XĐ