- Đến lúc phải tỏ thái độ bằng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm là đến bước đường cùng rồi, không thể chỉnh sửa được nữa, không tín nhiệm là nghỉ - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

>> Nhiều đề xuất chỉ để 2 mức 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm'
>> Tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm cuối năm nay
>> Giữ nguyên 3 mức lấy phiếu tín nhiệm
>> Nếu 2 mức tín nhiệm, nhiều cán bộ bị bỏ phiếu
>> 
Không đủ 50% phiếu tín nhiệm thì nên từ chức

Trao đổi tại tổ chiều 6/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ ý kiến của cá nhân ông về lấy phiếu tín nhiệm, đặc biệt về 3 mức tín nhiệm.

{keywords}
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đánh giá cán bộ lâu nay do nể nang nên còn hình thức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước hết cần phân biệt giữa lấy và bỏ phiếu tín nhiệm: Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò, tham khảo trong đánh giá cán bộ. Bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm tiếp hoặc thôi.

Đúng là trước đây ta chưa hề có khái niệm lấy phiếu tín nhiệm mà chỉ có bỏ phiếu tín nhiệm. Thuật ngữ "lấy phiếu tín nhiệm" bắt đầu từ hội nghị TƯ 4 với ý muốn thường xuyên có những động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính.

Đến lúc phải tỏ thái độ bằng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm là đến bước đường cùng rồi, không thể chỉnh sửa được nữa, không tín nhiệm là nghỉ.

Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, 2 năm liền tín nhiệm thấp là có cách cho thôi chứ không để hết nhiệm kỳ, cũng là để mỗi người tự vấn, tự rèn luyện và thay đổi, không để quá trì trệ.

Đây là một hình thức để xem xét, đánh giá cán bộ, nhưng không phải tất cả. Hàng năm đều có phê bình, tự phê bình, viết bản kiểm điểm, lấy ý kiến hai chiều, đưa hồ sơ, xếp loại, công bố... Trước và sau bầu cử đều có đánh giá. Vị nào tham gia nhiều cương vị thì có rất nhiều chỗ đánh giá.

Nhưng có một thực tế: Công tác đánh giá cán bộ, bên cạnh mặt tốt, vẫn có nhiều trường hợp rất hình thức, không thực chất, vì nể nang nhau, có chức có quyền rồi quan hệ lợi ích… Cuối năm bình bầu, đảng viên nào cũng đủ tiêu chuẩn, hoàn thành xuất sắc, tổ chức đảng nào cũng trong sạch, vững mạnh, yếu kém ít lắm. Nhưng có đúng thực chất không?

Lấy phiếu tín nhiệm cũng là để thể hiện vai trò giám sát của dân, Tổng bí thư nói. Lấy phiếu tín nhiệm cũng là việc pháp luật không cấm.

Lấy phiếu tín nhiệm cũng là một bước tiến đến bỏ phiếu tín nhiệm. Các phương thức khác như 20% ĐBQH đề xuất, HĐ Dân tộc và các ủy ban đề xuất, UB Thường vụ QH đề xuất, đã có nhưng quy định chung chung nên khó khả thi, suốt mấy chục năm nay chưa thực hiện được lần nào. Thêm kênh này sẽ khiến việc bỏ phiếu tín nhiệm khả thi hơn.

Tổng bí thư cho rằng, làm lần đầu tiên có nhiều điều cần rút kinh nghiệm. Ví dụ việc công khai kết quả: Vừa rồi ta công bố đến toàn dân, toàn thế giới, có vị bảo "thế này thì tôi làm gì còn uy tín để làm việc", "thế này thì luôn ở tình trạng đối phó, làm hết mình là va chạm, va chạm là mất phiếu"...

Thế nên ta xem xét thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện dần. Lúc này ta thống nhất với nhau tương đối thế này, sau làm tiếp, không riêng nhiệm kỳ này mà cả các nhiệm kỳ sau, nếu làm tốt ta sẽ hoàn thiện dần.

Ba mức chính là vì lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế. Việc quá 50% hoặc hơn 2/3 tín nhiệm thấp sẽ đưa ra bỏ phiếu, theo Tổng bí thư, "răn đe thế là sợ":

"Trên thực tế, vừa rồi cũng khối anh sợ và có điều chỉnh thật, có điều thừa nhận hay không thôi. Thế nên 3 mức là để anh biết mình đang ở mức nào trong sự tín nhiệm của tập thể".

Còn việc lấy phiếu 1 lần, Tổng bí thư phân tích: Hàng năm đều có đánh giá, kiểm điểm nên lấy phiếu hàng năm sẽ dồn dập. Lấy phiếu 1 lần vào giữa nhiệm kỳ, cộng với cọ sát khi được bầu và đánh giá cuối nhiệm kỳ, là vừa phải.

Làm có lý có tình

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm khi thảo luận tại tổ.

Ông Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: Liệu các hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm như từ chức, bỏ phiếu tại kỳ họp sau hoặc bỏ phiếu tín nhiệm ngay, gấp gáp quá không?

Theo Chủ tịch QH, việc này cần làm có lý có tình.

Mời độc giả xem clip Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ ý kiến tại họp tổ:

C.Hoàng - T.Lý - X.Quý - H.Nhì - T.Lâm