- Tại họp báo sáng nay, Phó Tổng Thanh tra CP Trần Đức Lượng cho biết, việc nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm cán bộ hàm cấp vụ và cấp phòng 8 tháng đầu năm 2011, Thanh tra CP đã rà soát.
Theo ông Trần Đức Lượng, Thanh tra CP thấy cơ bản các trường hợp đó đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, phát huy được năng lực.
Một số ít trường hợp, trong quá trình công tác, có khuyết điểm, đã được Thanh tra CP xem xét xử lý; một số trường hợp chưa đảm bảo điều kiện được bổ nhiệm ở thời kỳ đó, nay đã đủ điều kiện và một số trường hợp cần bổ sung thêm bằng cấp, chứng chỉ thì đã bổ sung.
Liên quan việc kê khai tài sản của ông Trần Văn Truyền, ông Lượng cho biết, chưa nhận được kết luận của Ủy ban Kiểm tra nên chưa thông báo.
Số liệu chưa thể coi là trung thực
Tại cuộc họp báo, nhận định về mức độ đáng tin cậy của số liệu "trong gần 1 triệu bản kê khai chỉ có 5 trường hợp cần xác minh và 1 người bị bị xử lý vì kê khai không trung thực", Phó cục trưởng Cục chống tham nhũng Phí Ngọc Tuyển nói: "Thanh tra CP vẫn được CP giao tiếp tục nghiên cứu các biện pháp để đảm bảo tốt hơn sự trung thực của các bản kê khai. Thế nên các số liệu này chưa thể coi là trung thực, vấn đề đang tiếp tục phải giải quyết".
Ông cũng cho biết, qua rà soát đánh giá các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, 9 giải pháp theo luật được chia thành 3 nhóm gồm tương đối hiệu quả, trung bình và hiệu quả chưa cao. Kê khai tài sản thuộc nhóm 3.
"Tuy nhiên, luật PCTN 2012 có sự thay đổi và mới bắt đầu
triển khai nên chưa thể hiện hết trên các con số kê khai cuối năm 2013, giữa
chính sách và thực tiễn có một độ trễ", ông Tuyển giải thích.
Phó Tổng Thanh tra CP Trần Đức Lượng. Ảnh: Chung Hoàng |
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra CP Trần Đức Lượng nói: Kê khai tài sản là một trong những giải pháp để phòng ngừa tham nhũng, có nhiều nước áp dụng, nhiều nước không, tùy pháp luật từng nước.
"Ở VN, xin khẳng định việc kê khai không phải là một vấn đề mới đối với cán bộ, công chức. Không phải chỉ từ khi có pháp lệnh PCTN năm 1998 hay luật PCTN thì mới làm, cán bộ công chức khi kê khai lý lịch đều có mục 'hoàn cảnh kinh tế', cũng chính là kê khai tài sản", ông Lượng nói.
Phó Tổng Thanh tra CP cũng cho biết chuyên gia quốc tế khuyến nghị nên thu hẹp đối tượng kê khai và công khai rộng rãi hơn. Các nước quanh ta như Indonesia, Hong Kong, Thái Lan đã làm.
Về số liệu báo cáo trước QH, "chúng tôi cũng băn khoăn về số trường hợp phải xác minh quá ít", ông Trần Đức Lượng nói. "Nhưng thẩm quyền xác minh hiện nay đang thuộc về người có thẩm quyền quản lý cán bộ. Đây cũng là việc cần tính lại để thay đổi chủ thể có quyền xác minh, đảm bảo số người được xác minh nhiều hơn".
Phó Tổng Thanh tra CP khẳng định: "Chưa xác minh kiểm tra thì làm sao dám đánh giá là tin tất cả các bản kê khai đều đầy đủ, chính xác, trung thực".
Chung Hoàng