- Các tác phẩm tranh biếm họa chống tham nhũng không "đánh" trực tiếp, chỉ trích ai. Nhưng phải làm sao để khi dân tiếp cận có thể "hiểu, giật mình, mở mắt ra, sờ vào gáy, ngoái nhìn lại".

Hội thảo "Tính chiến đấu của biếm họa chống tham nhũng trên báo chí - Thực trạng và giải pháp" được Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng Hoàng Mạnh Chiến dẫn đánh giá của quốc tế về tham nhũng ở VN là tham nhũng có hệ thống, tràn lan và khó chữa. Điều tra tội phạm tham nhũng cực kỳ khó khăn bởi lúc nào người ta cũng lấy chữ "nhạy cảm" ra để nói lĩnh vực nhạy cảm.

{keywords}
Nguyên Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng Bộ Công an Hoàng Mạnh Chiến

"Tại sao chống tham nhũng lại rất hạn chế? Bởi ai cũng dám nói trách nhiệm, ai cũng dám nói nhận lỗi, nhưng trách nhiệm ở đây là trách nhiệm trừu tượng, trách nhiệm tổng thể rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả", ông Chiến nhấn mạnh.

Theo đó, ông cho rằng, các họa sĩ vẽ tranh biếm về đề tài này nếu có tinh thần quyết tâm chống tham nhũng, có lý tưởng, có sáng tạo sẽ góp phần vào cuộc đấu tranh phức tạp và lâu dài này. Tuy nhiên nếu như họa sĩ mà chỉ đề cập vấn đề quá đơn thuần, vẽ hình mà ai nhìn cũng biết thì chưa thể xem là sáng tạo được

Ông cho rằng họa sĩ có thể vận dụng lợi thế vũ khí của mình để đả kích, thậm chí châm biếm về những tệ nạn, sai trái mà rất an toàn. Nhưng để có thể đạt được điều đó họa sĩ tranh biếm cần phải nhìn đấu tranh chống tham nhũng ở góc độ trên bình diện rộng hơn, ở mọi lĩnh vực, mọi nơi.

Ông Chiến nhận định, các tác phẩm tranh biếm góp phần đưa ra góc trào phúng, đả kích, giảm thiểu hạn chế tham nhũng chứ không đánh trực tiếp, không chỉ trích ai. Nhưng phải làm sao để người dân khi tiếp cận có thể "hiểu rõ, giật mình, mở mắt ra, sờ vào gáy, ngoái nhìn lại".

Vì thế nguyên Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng đặt câu hỏi phải chăng họa sĩ biếm hiện thời không bao quát hết quyền năng mà người ta cho phép và "hình như họ tự đóng khung mình"?

Là người có tác phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi về vẽ tranh châm biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí, họa sĩ Lê Phương (Leo) lý giải, bản chất của biếm họa là luôn đi theo sau các sự kiện chính thống được đăng tải trên báo chí. Biếm họa chỉ như một người điểm lại sự kiện, đưa ra góc nhìn riêng và hài hước hóa nó.

Khi một sự kiện có nhiều người biết, nhiều người khai thác ở tất cả những góc độ của truyền thông thì người họa sĩ phải nhìn hoàn toàn dưới góc độ riêng của mình. Khả năng nhìn nhận đánh giá cũng như khả năng nhuần nhuyễn trong việc sử dụng hình ảnh ý tưởng sẽ tạo thành góc nhìn chuyên biệt của mỗi họa sĩ biếm họa.


{keywords}
Tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh châm biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí của tác giả Lê Phương (Leo)

Họa sĩ Lê Phương cũng cho rằng, tác phẩm được vẽ ra phải được xuất bản, đến được tay người đọc, trên tất cả các phương tiện như báo in, truyền thông trên mạng để dấy lên dư luận và mọi người có thể phản tỉnh chính mình.

"Một bức tranh không có độc giả cũng như một xướng âm mất hút vào khoảng không thôi", họa sĩ nói.

H.Nhì - T.Vũ