- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi yêu cầu sớm triển khai hiệp định tín dụng trị giá 100 triệu USD Mỹ do Ấn Độ dành cho VN phục vụ mua sắm quốc phòng.
Nội dung được đề cập rõ trong Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ 27 đến 28/10.
Hợp tác quốc phòng là một trong những điểm mục được nêu tại Tuyên bố chung. Theo đó, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về những tiến bộ đạt được trong hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi đoàn, Đối thoại chính sách quốc phòng hàng năm, hợp tác giữa các quân binh chủng, trao đổi tàu thăm viếng, đào tạo, nâng cao năng lực và hợp tác tại các diễn đàn khu vực, trong đó có chương trình hành động bom mìn vì mục đích nhân đạo.
Ảnh: PTI |
"Hai Thủ tướng yêu cầu sớm triển khai Hiệp định tín dụng trị giá 100 triệu USD do Ấn Độ dành cho VN phục vụ mua sắm quốc phòng. Hai Thủ tướng bày tỏ hy vọng rằng quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh Ấn Độ - VN đang phát triển mạnh mẽ hiện nay sẽ tiếp tục được tăng cường thông qua trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao" - Tuyên bố nhấn mạnh.
Biển Đông: Không được sử dụng vũ lực
Biển Đông cũng là một trong những đề mục của bản Tuyên bố chung.
Cụ thể, hai Thủ tướng tái khẳng định mong muốn và quyết tâm cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. VN và Ấn Độ nhất trí cho rằng tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển năm 1982.
"Hai Thủ tướng hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên cơ sở đồng thuận. Hai Thủ tướng kêu gọi tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn" - trích Tuyên bố.
Hợp tác khai thác dầu khí
Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thu hút sự chú ý bởi các tuyên bố, phát ngôn cũng như cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế như "một mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương" như hai bên nhấn mạnh.
Ảnh: PTI |
Hai bên nhất trí tiến hành các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và đa dạng hóa thương mại song phương vì lợi ích chung, nhất trí đạt mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020. Đồng thời nhấn mạnh rằng việc ký kết hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN về dịch vụ và đầu tư sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn giữa Ấn Độ với ASEAN nói chung và với VN nói riêng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các công ty Ấn Độ đầu tư vào VN và khẳng định cam kết của VN tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Ấn Độ; Thủ tướng Modi mời các doanh nghiệp VN tham gia chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ với tên gọi ‘Sản xuất tại Ấn Độ’ để cùng hưởng lợi từ sáng kiến mới này.
Hai Thủ tướng nhất trí triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác Hải quan và Hiệp định vận chuyển hàng hải giữa hai nước nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn.
Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký kết Thoả thuận thăm dò dầu khí ở các dự án mới tại VN giữa Công ty ONGC Videsh và Tập đoàn dầu khí VN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các công ty dầu khí Ấn Độ tận dụng các cơ hội mới tham gia vào hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn tại VN.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa VN- Ấn Độ và hoan nghênh việc ký kết thoả thuận hợp tác liên danh giữa Jet Airways và Vietnam Airlines, theo đó các chuyến bay của Jet Airways đến TP HCM sẽ được tiến hành kể từ ngày 5/11/2014.
Hai bên bày tỏ hi vọng Vietnam Airlines sẽ sớm mở đường bay đến Ấn Độ trong thời gian tới. Hai bên cũng khuyến khích các hãng hàng không hai nước thúc đẩy việc mở và khai thác các chuyến bay qua lại giữa VN và Ấn Độ.
Trong chuyến thăm, VN và Ấn Độ cũng nhất trí cần thúc đẩy kết nối hợp tác hàng hải giữa hai nước, trước mắt, thiết lập và đẩy mạnh hợp tác đóng tàu.