TQ đang phát triển nhiều cảng nổi để hỗ trợ cho các dự án cải tạo đảo tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền VN) ở Biển Đông, theo các quan chức công nghiệp đóng tàu và thông tin được cung cấp tại triển lãm Shiptec China 2014 ở Đại Liên.
Mô hình cảng nổi gồm nền tảng đa năng có thể lai dắt
và cầu nối |
Tuần báo Quốc phòng IHS Jane's dẫn lời các quan chức thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu biển TQ (CSSRC) trực thuộc tập đoàn Công nghiệp đóng tàu TQ (CSIC) rằng, nước này đang phát triển các cảng nổi đa năng được triển khai ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đều thuộc chủ quyền VN).
Phiên bản đồ họa của các cảng này được trưng bày tại Shiptec China 2014. Cảng nổi sẽ được đóng ở đất liền, sau đó đưa ra các đảo để lắp ráp cuối cùng. Hệ thống cảng nổi gồm một nền tảng chức năng lớn có thể lai dắt, có cầu nối nền tảng này với một đảo.
Đầu tiên, TQ sẽ triển khai các cảng nổi tới quần đảo Hoàng Sa để thử nghiệm. Sau khi giai đoạn hoàn tất, các cảng này sẽ được triển khai tới quần đảo Trường Sa, quan chức CSSRC nói.
Hiện có hai biến thể đang được xây dựng. Cảng nổi với nền tảng đa năng có thể hỗ trợ làm chỗ cập bến cho tàu 1.000 tấn, các cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa tàu cá, trạm điện, kho trữ nước sạch, khử muối nước biển, trữ nước mưa, kho chứa các trang thiết bị và hậu cần.
Biến thể thứ hai của cảng nổi dựa vào tàu bán chìm |
Biến thể thứ hai dựa vào tàu bán chìm, có thể tự di chuyển ở khoảng cách gần. Biến thể này có thể được sử dụng cho xây dựng hạng nhẹ, duy trì bảo dưỡng một hòn đảo như nâng cao các bãi cát hay loại bỏ rặng san hô, vỉa đá ngầm. CSSRC đưa ra các khả năng bổ sung của biến thể này như là nơi ở tạm thời cho công nhân xây dựng, xử lý nước thải. Cầu nối của nó đủ chịu đựng sức nặng của xe tải 10 tấn.
Những cảng nổi này sẽ giúp TQ có khả năng xây dựng những khu định cư nhỏ trên các đảo xa xôi một cách nhanh chóng. Nó có thể cung cấp những nhu cầu cơ bản cho một khu định cư. Biến thể thứ hai có thể hỗ trợ việc mở rộng và cải tạo các đảo. Nếu những cảng này được triển khai ở quy mô lớn, TQ có thể xây dựng những khu dân cư lớn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó bọc lót cho yêu sách chủ quyền trái phép.
Tuy nhiên, cảng nổi phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung ứng nhiên liệu bên ngoài nên bị hạn chế các tiện ích. CSSRC hiện đang nghiên cứu phát triển các biến thể mới chạy bằng phong điện.
Việc phát triển cảng nổi chỉ là một trong vô số nỗ lực mà TQ đang tăng tốc thực hiện để độc chiếm Biển Đông. TQ đưa ra tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông thông qua bản đồ 9 đoạn xuất bản từ năm 1947. Tại điểm cực nam, yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh kéo dài hàng trăm km tới gần bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á.
Sử dụng tàu nạo vét khổng lồ, TQ đã dần dần biến các vỉa đá ngầm thành đảo mọc lên giữa biển. Những nước tuyên bố chủ quyền khác tại Biển Đông lo ngại Bắc Kinh muốn xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo này bao gồm cả căn cứ không quân.
Thái An (theo Janes)