- Trao đổi lại với nhiều ý kiến ĐB lo lắng tình hình nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đăng đàn đến 20 phút chiều nay (30/10) để giải trình vấn đề này.
Được trao cơ hội giải trình trước QH, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cung cấp một loạt con số về tình hình nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương..., cũng như dự báo, chỉ tiêu, triển vọng của vấn đề này trong các năm tới. Bộ trưởng cũng phân tích bức tranh nợ công cho các ĐB.
Xem clip phát biểu của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
"Dư nợ công đang tăng nhanh, đến cuối 2015 đã sát giới hạn QH phê duyệt. Cơ cấu các khoản vay không bền vững mặc dù gần đây đã tăng vay trong nước, nhưng chủ yếu là vay ngắn hạn, khoảng 4,3 năm trong khi kỳ hạn còn lại của các khoản vay nước ngoài của Chính phủ là 12,8 năm", ông Đinh Tiến Dũng chỉ ra.
Áp lực trả nợ trong ngắn hạn do đó tăng nhanh nên những năm qua đã phải phát hành trái phiếu Chính phủ để đáo nợ, Bộ trưởng cho biết: "Vừa rồi rất may là đảo nợ được nên kéo dài được thời hạn nợ, nghĩa vụ về lãi suất cũng hạ được so với kỳ hạn trước".
Nhưng thị trường vốn chưa phát triển, phát hành trái phiếu chỉ giải quyết được một phần, còn lại phải vay những nguồn ngắn hạn khác, cộng với nhiều khoản vay nước ngoài sẽ đến hạn trả vào năm sau, nên "áp lực trả nợ của năm 2015-2016 là lớn", Bộ trưởng thừa nhận.
Do nguồn để trả nợ sẽ tiếp tục khó khăn nên việc tiếp tục phát hành trái phiếu chính phủ để đảo nợ, giãn nợ vẫn sẽ là giải pháp trước mắt.
"Nợ công hiện đang nằm trong giới hạn cho phép của QH trong chiến lược nợ công của Chính phủ, nhưng thực sự chúng ta đang gặp khó khăn. Chúng tôi rất mong sự chia sẻ của ĐBQH và cử tri cả nước, cùng Chính phủ quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội, từ đó giảm dần nợ công, nợ xấu, gắn với việc sử dụng vốn có hiệu quả, tiếp tục duy trì nợ công trong giới hạn QH đã phê chuẩn", ông Đinh Tiến Dũng kết thúc phần giải trình.
Lo mốc 2020 đang tới
Một số ý kiến ĐB thảo luận hôm nay cũng bày tỏ lo ngại khi thời điểm 2020 sắp đến mà những tiền đề cho việc trở thành một nước công nghiệp vẫn còn nhiều ngổn ngang.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói đến công nghiệp phụ trợ: "Chúng ta đã nói đến từ rất sớm, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, nghiên cứu... nhưng sau 40 năm đất nước thống nhất, đến vừa rồi ta mới làm được một vài cái ốc vít cho một doanh nghiệp nước ngoài ở VN".
Chỉ ra muốn có nền công nghiệp thì phải có ngành công nghiệp phụ trợ, ông Nghĩa thấy 5 năm nữa là đến 2020 - thời điểm ta đặt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp - nhưng xem ra khó mà đạt được.
ĐB Đà Nẵng kiến nghị thay đổi tiêu chí đánh giá, không chỉ căn cứ vào tỉ trọng trọng GDP mà phải có những nền tảng thực chất cho một nền công nghiệp bền vững.
ĐB Bế Xuân Trường |
ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) thì nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao: "Có đầu tư vào công nghệ cao thì giá trị nền kinh tế mới cao, nền kinh tế mới không bị phụ thuộc. Hàng hóa VN thời gian qua không cạnh tranh được không những trên thị trường thế giới mà ở cả thị trường trong nước chính là vì thiếu linh hồn công nghệ cao".
Chỉ ra công nghiệp công nghệ cao cũng sẽ tạo nền tảng cho một ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, ông Trường tin chắc VN có tiềm năng trong lĩnh vực này: "Tài nguyên thiên nhiên khai thác mãi cũng hết nhưng có một tài nguyên khai thác mãi không hết, càng khai thác càng phát triển thêm, đó chính là trí tuệ con người VN".
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng góp một lời kêu gọi Nhà nước hậu thuẫn cho giới doanh nghiệp: "Người ta thường nói 'thể chế nào, doanh nhân đó', để có được những nỗ lực kinh doanh đúng hướng, doanh nghiệp cần có sự mở đường và hậu thuẫn của nhà nước: tạo lập được môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và an toàn, một nền hành chính công chuyên nghiệp".
Ngày mai QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội và thu chi ngân sách.
C.Hoàng - C.Quyên - M.Thăng - D.Tiến - H.Nhì - Nguồn clip: VTV