- ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị người ứng cử ĐBQH, HĐND ngoài trắc nghiệm về trình độ phải làm cả trắc nghiệm về thần kinh, tâm lý. Nếu không qua trắc nghiệm thì đừng ứng cử, nếu không nhiệm kỳ 5 năm kéo dài sẽ phát sinh những "hậu quả" khó giải quyết.

Dự luật bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) được đưa ra thảo luận tại tổ chiều 5/11 có một số quy định như người ứng cử phải có hồ sơ ứng cử, lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe... Quy định khám sức khỏe làm xôn xao phiên họp tổ.

{keywords}

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Dứt khoát phải làm trắc nghiệm về thần kinh, tâm lý. Ảnh: Phạm Hải

ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý giấy khám sức khỏe của ĐB không thể như lái xe. Một người ứng cử dứt khoát phải làm trắc nghiệm không chỉ về trình độ mà cả về thần kinh, tâm lý. "Nếu trình độ, tâm thần của anh không qua trắc nghiệm thì anh đừng ứng cử vì 5 năm kéo dài, hậu quả khó giải quyết" - ông nói.

Cùng tổ TPHCM, ĐB Trần Du Lịch dứt khoát nhấn mạnh "đã là đại biểu của dân phải có sức khỏe". ĐB Phạm Khánh Phong Lan tỏ ra hưởng ứng, nhấn thêm việc phải kiểm tra "sức khỏe tâm thần".

ĐB Nguyễn Văn Gòn đề nghị cụ thể ĐB không thể khám kiểm tra sức khỏe từ phòng khám bình thường, kiểm tra sức khỏe để không bị lọt những người "tưng tưng".

Chọn người dám nói, dám làm, dám chịu

ĐB Võ Thị Dung đề nghị dự thảo luật phải có những quy định cụ thể về tiêu chí của người ứng cử. Theo bà, việc này thời gian qua "ách tắc" vì nhiều người ứng cử không nghiêm túc. Công dân đủ 21 tuổi trở lên có thể ứng cử nhưng buộc phải có tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ.

ĐB Đỗ Văn Đương nhấn mạnh chất lượng của QH tùy thuộc rất lớn vào ĐBQH. Theo đó, dự thảo luật phải làm sao lựa chọn người thực sự tâm huyết với đất nước, nhân dân, dám nói, dám làm, dám chịu. Nhưng theo ông, dự thảo luật vẫn "đơn giản".

Theo ông, cần đưa tiêu chuẩn ĐBQH để cơ sở nhìn vào đó giới thiệu, để vận động bầu cử, cử tri thấy mà bầu. QH muốn tăng ĐB chuyên trách lên 35% nhưng nếu tiêu chuẩn không rõ ràng, nếu không từ một chuyên viên cao cấp trở lên, 15 năm kinh nghiệm thực tiễn thì về không thể làm được, đọc báo cáo không hiểu được.

"Phải quy định tiêu chuẩn của ĐB, quy định về quy trình giới thiệu, người ra ứng cử phải chặt chẽ để có ĐB có uy tín, dám nói, dám làm như dân mong muốn" - ông nói.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) phản ánh dự thảo luật chưa có quy định nào đề cập đến tiêu chuẩn của người tự ứng cử.

Việc kê khai tài sản, thu nhập được ĐB Trần Du Lịch quan tâm về cơ chế đảm bảo sự minh bạch vì ông thấy bảng kê khai thường cho thấy ai cũng nghèo, thậm chí quá nghèo.

{keywords}

ĐB Trần Du Lịch: Kê khai tài sản thường cho thấy ai cũng nghèo. Ảnh: Phạm Hải

"Cào bằng ĐBQH cũng như ĐB xã, phường thì không ổn. Từng cấp phải có tiêu chuẩn khác nhau, ứng cử QH tiền sự là không được. Còn quy định chung chung, trung thành thì có ai không trung thành đâu" - ông Lịch góp ý thêm.

Cạnh tranh, đừng quân xanh quân đỏ

Về phân bổ đại biểu, theo ĐB Võ Thị Dung, dù có phân bổ "cứng" về đến địa phương nhưng phải có số dư. Do đó, phải tính số lượng phân bổ nhiều hơn số ở Hội đồng bầu cử quốc gia phân bổ về.

ĐB Đương lưu ý địa bàn bầu cử cũng là một vấn đề. Như TPHCM rất nhiều người ngại ứng cử, không được chuộng như Điện Biên, Lai Châu. "Địa bàn phải công bằng" - ông nói. Trong cơ cấu của đoàn ĐBQH, ông cũng đặt câu hỏi có hay không hiện tượng quân xanh - quân đỏ. Một trong những điều đảm bảo cho QH, HĐND có những ĐB "dám nói, dám làm, dám chịu" đó là dù không áp cơ chế tranh cử thì cũng nên có gì đó cạnh tranh về chức vụ, uy tín để đảm bảo công bằng.

ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn hình thức trung ương giới thiệu người về địa phương ứng cử khi mà ở địa phương không biết người này từ trước đến giờ là ai. Về địa phương, ĐB được trăm ngàn người bầu lên, rồi quay lại về trung ương làm, một năm chỉ trở lại hai lần. Trong khi đó, dự thảo luật vẫn chưa "quan tâm" đến những ĐB địa phương, những người sống chết lăn lộn với địa phương.

Theo đó, ông kiến nghị những người ứng cử trung ương nên đưa hết về Hà Nội. "Anh là người trung ương, anh ở thủ đô. Ngoài số lượng của Hà Nội có thể thêm một số lượng người của trung ương ứng cử ở Hà Nội, không về địa phương nữa. Hiện nay đưa về rất hình thức, không công bằng người tại chỗ, người ta không biết anh là ai" - ông Nghĩa phát biểu.

'Chấm dứt một người bầu thay cả nhà'

ĐB Nguyễn Văn Minh hỏi liệu khi ứng cử, ĐB lập trang web để vận động thì có cấm?

Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng phản ánh một đài truyền hình ở Hà Nội, có ĐB “đặt hàng” thì cho phát biểu dài, ĐB nào không thì thôi. Như vậy là không bình đẳng. Thấy vậy, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi cơ quan đại chúng vi phạm thì có xử lý không? Không loại trừ cả những hình thức vận động theo kiểu sát ngày bầu cử đi xuống địa bàn ủng hộ nhà tình nghĩa, ủng hộ người nghèo.….

Theo nhiều ĐB, luật phải chấm dứt tình trạng đi bầu thay. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, phải tư duy tỉ lệ phiếu đi bầu không đạt 100% là bình thường. Nếu tỉ lệ đi bầu chỉ đạt 60% hay 70% thì cũng cần tôn trọng để đảm bảo kết quả bầu thực chất.

"Không nên tư duy đắc cử là ông nào cũng chín mấy %. Luật phải nêu đi bầu phải có giấy CMND, không để một người bầu cho cả nhà, cả xóm, gần đến giờ đánh trống kêu gọi đi bầu. Không cần công bố địa phương đạt tỉ lệ mấy chục phần trăm làm gì" - ông nói.

X.Linh - T.Chung - H.Nhì - T.Vũ