- Điều 4 Hiến pháp nói Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, mà Mặt trận TQ là đại diện cho dân, vậy MTTQ có thể giám sát và phản biện Đảng không - vấn đề các ĐBQH đưa ra khi thảo luận luật MTTQ sửa đổi chiều nay (5/11).

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cho rằng nên quy định trong luật việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng vì Hiến pháp đã xác định một trong chức năng MTTQ là giám sát, phản biện xã hội, đồng thời quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân.

"Nhân dân là chủ của xã hội, thực hiện quyền làm chủ của mình, quyền lực người chủ thông qua dân chủ trực tiếp và gián tiếp, trong đó thông qua QH, HĐND và các tổ chức chính trị xã hội khác. Nhân dân thông qua đó giám sát. Nên không gì tốt hơn thông qua người đại diện cho mình là MTTQ để thực hiện quyền này tốt đẹp nhất", ông Thiện kiến nghị luật có quy định về việc MTTQ giám sát các hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện đường lối chính sách của Đảng.

{keywords}
ĐB Nguyễn Đình Quyền: Mặt trận nên kết hợp với báo chí để tạo áp lực xã hội đến các cơ quan nhà nước. Ảnh: Phạm Hải

ĐB Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật QH, chia sẻ ý kiến này: Đảng cũng nói không cấm và tự giác đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân, vậy nếu luật không quy định việc này, công công luận sẽ câu hỏi sao MTTQ chỉ giám sát Chính phủ thôi. Để luật toàn diện thì nên có những quy định mang tính nguyên tắc.

ĐB Lê Văn Lai, Chủ tịch MTTQ Quảng Nam, thì băn khoăn về điều khoản "Đảng vừa là thành viên của MT, vừa lãnh đạo MT": Lãnh đạo là dẫn dắt, chủ trì, trong khi nguyên tắc hoạt động của MT là liên hiệp tự nguyện.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Văn Pha cho biết việc MTTQ giám sát Đảng không đưa vào trong luật không có nghĩa là không làm, mà quy định trong văn kiện của Đảng đã rất chi tiết rồi.

Cứ cái gì chung chung là "làm như mặt trận"

Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), chức năng nhiệm vụ mới, được nhân dân kỳ vọng của MT là phản biện xã hội được luật quy định vẫn còn thụ động: Các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ.

"Các cơ quan có gửi văn bản dự thảo đến MT thì MT mới nghiên cứu, cho ý kiến. Như thế chưa thể hiện được yêu cầu của cuộc sống và vai trò của MT, trong khi cuộc sống nhiều chuyện đòi hỏi MT, nhân dân có bao nhiêu vấn đề cần MT, thì MT lại đang mờ nhạt", ông Nam nói.

ĐB Huỳnh Minh Thiện cũng muốn MTTQ phản biện xã hội cũng không chỉ với các dự thảo mà cả các chương trình, nghị quyết đã thông qua và đi vào thực hiện.

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội thì muốn việc giám sát và phản biện xã hội của MT, khi đã được hiến định và cụ thể hóa, thì phải làm rõ hậu quả pháp lý, trả lời câu hỏi "làm xong giải quyết cái gì".

Ông Lê Minh Thông phân tích rõ hơn: Vì đã đưa vào luật thì quan trọng là kết quả của việc này được xử lý thế nào: "Anh cho tôi nói thì tôi nói, nhưng anh có nghe không, có đối thoại trở lại không? Người phản biện sẽ phấn khởi khi biết ý kiến của mình được lắng nghe, giải trình, tiếp thu, vì một ý kiến chưa đúng hôm nay biết đâu lại đúng ngày mai".

Vai trò này đã được hiến định thì không nên quy định chung chung, nếu không sẽ không khai thác được giá trị của Hiến pháp để đem lại những chuyển biến thực sự trong xã hội, thông qua luật phát huy được vai trò và hiệu quả của việc phản biện xã hội của nhân dân, ông Thông nói.

Ông Lê Văn Lai cũng chia sẻ: "'Bực' nhất là cứ việc gì làm chung chung, nói chung chung, không có gì cụ thể thì người ta hay nói 'làm như mặt trận'".

Chức năng giám sát, phản biện xã hội của MT mà Hiến pháp quy định sẽ cây gậy để MT có điều kiện pháp lý thể hiện rõ hơn vai trò, chức năng của mình, nhưng ông Lai thấy dự thảo luật chưa làm sâu sắc, cụ thể thêm các quy định trong Hiến pháp.

Về điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ ý kiến: Phản biện xã hội của MTTQ nghĩa là tập hợp các tổ chức thành viên, cùng nhau thảo luận, trao đổi, rồi có ý kiến chính thức trước QH, là tiếng nói xã hội.

"Mà tiếng nói xã hội thì dù lãnh đạo hành chính cấp nào, không nghe là không xong đâu, phải nghe, phải trân trọng, tiếp thu, giải trình", ông Hùng nói.

Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp, thì MT nên kết hợp với báo chí: MT không thể ra chế tài, nhưng có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tạo nên áp lực xã hội, sức ép đến các cơ quan nhà nước. Chủ tịch QH đồng tình: Bây giờ báo chí nói cũng phải tiếp thu, là một kênh, báo nói không được lờ đi được.

C.Hoàng - X.Linh - H.Nhì