- Đồng tình chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, song Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chưa nên mở rộng thêm về vấn đề này ngoài quyết định giám sát và phản biện của Bộ Chính trị ban hành mới đây.
Dự thảo luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) sửa đổi được trình tại phiên họp của UBTVQH chiều nay. Một trong những điểm được quan tâm là cụ thể hóa quy định trong luật về chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ VN.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trao đổi giờ giải lao phiên họp |
UB Pháp luật cho hay, qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật là không quy định việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng, vì Hiến pháp cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay của Nhà nước ta hầu như không có quy định cụ thể về vấn đề này mà do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định.
Một số ý kiến khác cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được QH thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc giám sát và phản biện xã hội đồng thời quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân.Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng.
Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQ VN tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đề cập vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, giám sát và phản biện của MTTQ VN chưa nên mở thêm gì ngoài quyết định nêu trên về giám sát và phản biện xã hội của Bộ Chính trị. Theo ông, MTTQ VN tập trung làm tốt các quy định, bám sát Hiến pháp.
Ông cũng lưu ý các quy định về đại diện quyền giám sát phải bàn thêm. Nhân dân phải thấy được vai trò đại diện của MTTQ nhưng không có nghĩa những lợi ích hợp pháp của người dân được viết thành trách nhiệm buộc MTTQ. Và nếu thể hiện quá nặng trong các quy định thì MTTQ không thể làm được giống như MTTQ không thể như tòa án đi xử quyền lợi cho người dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng |
Chủ tịch QH nhấn mạnh các quy định cụ thể hóa chức năng giám sát và phản biện đưa vào luật nhưng phải thể hiện ở mức làm được, phải khả thi để làm sao giám sát, phản biện được người ta nghe, chấp nhận, chứ không phải buộc người ta thi hành.
Ông cũng lưu ý việc ra kết luận giám sát. "Tổ chức giám sát ra phải có kết luận, thì giá trị kết luận đến đâu phải thể hiện rõ".
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý giám sát và phản biện xã hội của MTTQ phải có cơ chế hợp lý, tránh tạo quá nhiều tầng nấc chồng chéo trong hệ thống MTTQ, cũng như các cơ quan khác của Nhà nước. Bà cho hay, nếu không có quy định cụ thể sẽ có nhiều phiền toái trong thực hiện, gây khó khăn, cản trở cho các hoạt động nhà nước đồng thời nhấn mạnh không làm thay chức năng của các cơ quan dân cử.
"Màu sắc khác, phạm vi đối tượng giám sát phải xác định cho rõ" - bà kiến nghị. Phó Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh việc quy định hình thức giám sát nếu tổ chức đoàn thể, thành phần như dự thảo luật quy định dễ hành chính hóa, Nhà nước háa giám sát MTTQ. Trong khi đó, MTTQ phải thể hiện sự giám sát qua nhân dân, qua các tổ chức của MTTQ, đi vào đời sống.
Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng