- Hàng loạt câu hỏi nóng được đặt ra cho Bộ trưởng Nội vụ tại phiên chất vấn sáng nay: giải pháp cho tình trạng "lạm phát cấp phó", vì sao số công chức "một dạ hai vâng" gia tăng...

Thanh tra thi tuyển Bộ Công thương

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng nay bằng bức xúc của dư luận về tiêu cực thi tuyển công chức tại Bộ Công thương.

"Bộ Nội vụ đã có cuộc thành tra toàn diện công tác này ở Bộ Công thương trong vòng 45 ngày. Vậy đến nay kết quả ra sao, đã xử lý bao nhiêu cán bộ? Trách nhiệm Bộ trưởng Nội vụ là gì? Trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương thế nào?".

{keywords}
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình dẫn luật Công chức, Viên chức, các nghị định, thông tư, chính sách về công tác thi tuyển công chức, viên chức, nâng ngạch đến nay đã đổi mới. Theo đó thiết kế thi 3 môn kiến thức chung, chuyên ngành và tin học nhà nước là môn điều kiện.

Bộ Nội vụ chủ trì, biên soạn hướng dẫn quy định tiêu chuẩn, thủ tục, tổ chức thi, đặc biệt là để đảm bảo khách quan, công khai, minh bạc, dân chủ, công bằng, phối hợp với một số bộ ngành, địa phương thi trên máy vi tính, góp phần hạn chế tiêu cực thi tuyển đầu vào.

Tuy nhiên, ông thừa nhận thực trạng "vẫn có một số địa phương có tiêu cực". Căn cứ quy định pháp luật, việc thi tuyển công chức thuộc thẩm quyền bộ và tỉnh. Nhưng Bộ Nội vụ cũng cử đoàn đến những nơi có sai sót để khắc phục, sửa đổi. Một số nơi đã xử lý kỷ luật một số cán bộ.

Trả lời về vụ việc ở Bộ Công thương, Bộ trưởng Thái Bình cho biết đây là việc thanh tra đột xuất, lấy mốc thời gian là từ đầu nhiệm kỳ nên cần thời gian để kết thúc thanh tra, không chỉ ở Cục Quản lý thị trường mà ở các các cục, vụ khác. Hiện vụ việc đang được hoàn thiện hồ sơ. Do phạm vi thanh tra rộng nên chưa có kết quả để báo cáo.

Tại sao gia tăng thành phần "một dạ hai vâng"

Trong lượt chất vấn đầu tiên Bộ trưởng Nội vụ sáng nay, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) dẫn ý kiến cử tri nêu thời gian gần đây về tình trạng "lạm phát cấp phó" rất nhiều từ các cấp địa phương đến trung ương. Bộ máy trở nên cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả. 

"Quan điểm và giải pháp của Bộ trưởng?" - bà An đặt câu hỏi.

{keywords}
ĐB Bùi Thị An

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương: Tại sao số công chức " một dạ, hai vâng, ham muốn trở thành lãnh đạo nhiều?

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng vì sao số công chức tận tâm trong công việc, sáng tạo trong khu vực Nhà nước ngày càng ít trong khi số công chức "một dạ hai vâng, ham muốn trở thành lãnh đạo" nhiều, nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính, tội phạm tham nhũng. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính do đâu, giải pháp đột phá tham mưu?

Bộ Nội vụ làm gương - có 4 thứ trưởng

Trả lời ĐB Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết quy định số lượng cấp phó trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật.

"Quy định là một bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng, muốn tăng phải có đề án báo cáo các cơ quan thẩm quyền là Ban cán sự đảng, Chính phủ, Ban Tổ chức TƯ, Ban bí thư quyết định. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ trao đổi các bộ, Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít nhưng các bộ đề nghị số lượng nhiều, không gặp nhau". Ông Bình cho biết đang hoàn thiện để quy định rõ số lượng thứ trưởng để "không phải bàn cãi".

XEM CLIP:

Theo Bộ trưởng, các cấp phó còn lại đều có quy định nhưng thực tế cuộc sống không theo: cấp bộ quy định 4 mà bình quân bây giờ là 5,4, cấp tổng cục quy định 3 nhưng bình quân 3,69, cấp vụ 3 nhưng bình quân 3,04, cấp sở 3 bình quân 3,06. Bộ Nội vụ làm gương có 4 thứ trưởng nhưng chưa lan tỏa. Nguyên nhân là "do sức ép công việc, lãnh đạo điều hành một số cơ quan, nền hành chính còn nhiều, có đồng chí chủ trì hội nghị không phân công cấp phó, thứ trưởng đi không được".

Nhưng ông Bình thừa nhận "có một số cơ quan có nhiều cấp phó không thực sự xuất sắc, thậm chí bổ nhiệm bởi lý do nào đó", do một số người đứng đầu thiếu tính gương mẫu. Giải pháp theo Bộ trưởng Nội vụ là tự điều chỉnh trong nội bộ và cả hệ thống chính trị tham gia để tính cấp phó cho phù hợp.

Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho hay một số nguyên nhân đó là sử dụng cán bộ công chức viên chức chưa đúng phẩm chất năng lực của  từng cán bộ. Cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm. Chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Chế độ tiền lương, đãi ngộ chậm cải thiện, việc tuyển dụng đầu vào có trường hợp chưa đáp ứng nhiệm vụ, chưa thực sự tuyển người có nằng lực, tâm huyết...

Bộ trưởng thông tin, đang thực hiện giải pháp đổi mới cơ chế đánh giá theo cơ chế cấp trên trực tiếp đánh giá người đứng đầu cấp dưới, cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng, trọng dụng người có tài năng, làm được việc. Vừa qua, Bộ Chính trị đã giao Bộ làm đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ. Bộ đã bắt tay xây dựng đề án trình phê duyệt, đảm bảo tuyển 1000 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. "Đây là đột phá trong công tác đối với người tài" - Bộ trưởng nói

T.Chung - H.Nhì - M.Thăng - M.Quang - Đ.Yên - T.An - Nguồn clip: VTV