- Bộ trưởng Đinh La Thăng tin tưởng khảo sát so sánh làm đường cao tốc ở VN mức phí chỉ tương đương với TQ, thấp hơn Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản - nước có con đường 206 triệu USD.

Con số so sánh được ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) dẫn tại phiên chất vấn chiều 18/11: "Giá làm một km đường ở VN đắt nhất thế giới, Bộ trưởng có đồng ý với nhận định này không?".

Bộ trưởng GTVT cho hay Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tìm hiểu thông tin cả trong và ngoài nước. 

XEM CLIP:

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, chi phí làm đường cao tốc ở VN chỉ tương đương TQ, thấp hơn Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản, nước có con đường 205-206 triệu USD.

Mức đầu tư làm một con đường ở VN khác nhau. Như dự án đường cao tốc HN - Thái Nguyên tốn 4,19 triệu/km, Nội Bài - Lào Cai 6,94 triệu/km, HN - Hải Phòng 11,4 triệu, cao hơn vì phải vay vốn thương mại với lãi suất 3,5 triệu/km. Có những dự án qua nền đất yếu, nhiều cầu như Bến Lức - Long Thành thì tốn 25,8 triệu/km.

Một số đường chi phí cao vì giải phóng mặt bằng lớn, vốn không đủ từ đầu, kéo dài, trượt giá tiền dội cao lên, chi phí rà phá bom mìn, đường đi qua khu dân cư, nút giao, cầu vượt, hầm giao dân sinh cực lớn... Con đường HN - Hải Phòng có tới 10 nút giao, tốn 800-1.000 tỉ đồng, 107 hầm dân sinh, 22 cầu vượt...

Nói đến đây, Bộ trưởng Thăng hứa sẽ có báo cáo gửi ĐB Ngô Văn Minh chi tiết đầu tư các con đường trong nước và trên thế giới.

Công khai đầu tư

Không thỏa mãn giải trình của Bộ trưởng, ĐB tỉnh Quảng Nam bấm nút nhắc lại con đường đắt nhất hành tinh ở HN.

Ông đề nghị Bộ GTVT phải rà lại định mức để giảm chi phí làm đường, đồng thời công khai để nhân dân giám sát tại sao con đường như nhau nhưng có đường đắt hơn.

Ông Ngô Văn Minh cũng từ chối nhận báo cáo của Bộ trưởng vì "không có thời gian nghiên cứu", "tốn giấy mực" của Bộ trưởng. Ông đề nghị Bộ trưởng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi, so sánh.

ĐB cũng lo lắng việc kiểm soát các dự án BOT sẽ kéo dài thời gian thu hồi vốn, tăng thu phí có thể thêm 10 năm, thay vì chỉ có 20 năm thì có thể kéo dài lên 30 năm và dân phải gánh trả phí.

{keywords}
Bộ trưởng Đinh La Thăng

Bộ trưởng GTVT trả lời, các dự án BOT thường kéo dài từ 20-25 năm. Trong thực hiện ký hợp đồng có tính toán khi lưu lượng xe tăng lên, thay đổi 10% hoặc doanh thu thay đổi 25% thì phải điều chỉnh lại hộp đồng. Các mức tính như hiện tại chỉ là dự báo nhưng có cơ sở khoa học tính toán, nên không lo kéo dài thời gian thu vốn, tăng thu phí.

ĐB Minh cho biết đã dự lường và việc tăng giảm phải theo hợp đồng, thỏa thuận, cuối cùng không đạt được hợp đồng điều chỉnh, tăng mức phí để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư thì dân phải gánh. "Đề nghị Bộ trưởng nói rõ để dân yên tâm" - ông nói trước khi hết giờ chất vấn.

Trao đổi lại với ĐB Minh sáng 19/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng suất đầu tư phải cùng mặt bằng mới so sánh được: Hai căn nhà quy mô giống nhau hoàn toàn, cạnh nhau, thi công cùng lúc nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau thì giá thành phải khác nhau.

Ông Thăng cung cấp số liệu: giá bình quân làm đường cao tốc ở khu vực miền núi, trung du miền Bắc là 7,4 triệu USD/km, khu vực trung và nam Trung Bộ 10,5 triệu USD/km, đồng bằng Bắc Bộ 10,6 triệu USD, đồng bằng Nam Bộ 17,2 triệu USD.

Nhưng Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh chi phí giải phóng mặt bằng: Dự án Láng - Hòa Lạc giải phóng mặt bằng hết 1.550 tỷ đồng, chiếm 20,59% tổng mức đầu tư. Đường Hà Nội - Hải Phòng là 3.699 tỷ, chiếm 8,13%. Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 3.199 tỷ, 11,44%... Còn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, mà ông Minh gọi là đắt nhất hành tinh, chỉ dài 520m mà giải phóng mặt bằng là 825 tỷ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư, vì nó đi qua khu dân cư.

Việc kéo dài thời gian thu phí trên Quốc lộ 1, theo ông Thăng, là do lưu lượng giảm so với tính toán của nhà đầu tư.

Sáng HN, chiều cà phê TPHCM

ĐB Trần Du Lịch tâm tư Bộ trưởng tác chiến nhiều nhưng về chiến lược cần một đôi đường sắt mới, SG-HN 10 tiếng thay vì loay hoay đường sắt cũ và đường khổ một. "Bộ trưởng đã nói sẽ nghiên cứu, đến đâu rồi?"

{keywords}

ĐB Trần Du Lịch

Tư lệnh ngành giao thông cho hay, trong chiến lược phát triển ngành đến 2020 đã tính toán tái cơ cấu đường sắt. Theo đó, đường sắt Bắc - Nam cũ sẽ được nâng công suất và tốc độ khai thác từ 50, 60km/h lên 80km-90km/j; đồng thời sẽ xây dựng đường sắt khổ đôi ở vị trí mới, công suất 160-200 km/h và sẽ như ĐB Lịch nói, "sáng ăn phở ở HN, chiều uống cà phê ở TP.HCM vì đi mất 10 tiếng".

Trước mắt sẽ phân kỳ đầu tư chọn tuyến HN - Vinh, TP.HCM - Nha Trang làm trước. Nếu nợ công cho phép sẽ kết nối, phát triển đồng bộ các phương thức, giảm cước vận tải.

ĐB Ngô Văn Hùng ( Lào Cai) đặt câu hỏi về tiến độ, chất lượng xây dựng cầu treo ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. "Liệu 2015 có bao nhiêu cầu treo sử dụng trong cả nước"?

Bộ trưởng Thăng nêu lại khó khăn của người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt dân tộc ít người thiểu số. "Việc người dân phải đu dây, qua sông bằng túi nilon chúng tôi cũng hết sức xúc động và chia sẻ khó khăn mà dân gặp phải" - ông nói.

Bộ đã chủ động đề xuất và Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đề án xây dựng 7.811 cầu treo và dân sinh cho 50 tỉnh.

Mục tiêu đến 30/6/2015 sẽ hoàn thành 186 cây cầu.

Tuy nhiên, để làm 7.811 cây cầu này tổng vốn đầu tư cần khoảng 12 nghìn tỷ, dự kiến sẽ huy động từ nhiều nguồn khác nhau gồm các địa phương tham gia đầu tư vì theo phân cấp hiện nay thì đường tỉnh lộ, huyện, xã và cầu dân sinh là của địa phương.

"Chúng tôi cũng hết sức chia sẻ, địa phương xây cầu hầu hết là nghèo, để địa phương tự bơi rất khó khăn. Bộ cũng làm việc với các nhà tài trợ WB, JICA đề xuất cho vay. Dự kiến huy động của các tổ chức, doanh nghiệp các nhà hảo tâm, xây dựng nhịp cầu nhân ái" - ông Thăng nói.

X.Linh - T.Chung - H.Nhì - M.Thăng - Đ.Yên - Nguồn clip: VTV