- Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Đặng Ngọc Tùng chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH: Bộ có chủ trương tìm mộ các liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma, đang nằm ở Gạc Ma trong tàu 604 không?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đã là liệt sĩ thì ở đâu cũng phải tìm, tùy vào vị trí ở đâu sẽ có sự phối hợp giữa các cơ quan để tìm.

{keywords}
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Đặng Ngọc Tùng trả lời báo chí bên hành lang QH sáng 19/11

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chia sẻ câu chuyện của chính gia đình mình đi tìm mộ liệt sĩ bị thầy mo lừa đảo khi chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền sáng nay.

Bộ trưởng cho biết việc tìm kiếm mộ liệt sĩ là phối hợp giữa Bộ LĐ-TB-XH với Bộ Quốc phòng, vừa rồi có hiện tượng lừa đảo, đã chuyển cơ quan điều tra xử lý. Theo đề án xác định danh tính liệt sĩ, đã có 3 trung tâm thuộc Bộ Công an, Quốc phòng và Viện Khoa học VN, đảm bảo hài cốt phải được giám định trước khi đưa về chôn cất.

"Nhờ đó mà gần đây, hiện tượng sử dụng ngoại cảm để tìm mộ liệt sĩ đã hạn chế", bà Chuyền nói.

{keywords}

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đã là liệt sĩ thì ở đâu cũng phải tìm. Ảnh: Minh Thăng

Các ĐB cũng đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng LĐ-TB-XH về chính sách với thương binh, người có công và thanh niên xung phong. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh hiện tượng làm giả hồ sơ để hưởng chính sách thương binh, chất độc da cam, trong khi người bị thương, nhiễm chất độc da cam thật lại thiếu hồ sơ nên không được giải quyết. ĐB Đỗ Văn Đương cũng đề nghị Bộ trưởng nói rõ hiện tưởng thật - giả này, trả lại công bằng cho người dân.

ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) còn đề cập dư luận rằng "để làm được việc này không những là cá nhân mà có thể có những đường dây, từ người làm hồ sơ cho đến giám định", và chuyển chất vấn đến cả Bộ Công an và Y tế.

Trả lời ông Phương, Bộ trưởng Chuyền cho biết đã thanh tra, xử lý giải quyết qua đơn thư, và kiên quyết cắt một số người ra khỏi đối tượng có công hưởng chính sách: "Mục đích là chỉ cắt người không có công, còn các trường hợp lập hồ sơ thiếu, sai lệch, khi kết thúc thanh tra đều đề nghị địa phương rà lại từng trường hợp để xem xét cho thỏa đáng, không phải chỉ vì hồ sơ không đầy đủ mà cắt".

Trao đổi với ông Đương, Bộ trưởng Lao động nói đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và Mặt trận Tổ quốc rà soát xem có những ai đã có quyết định người có công nhưng chưa được hưởng chính sách.

"Con số báo cáo bước đầu từ 40 tỉnh là số hồ sơ sai không dáng kể, chỉ 0,18%. Đến nay còn 10 nghìn đối tượng là thanh niên xung phong nhưng chưa có đầy đủ hồ sơ, gần 2.000 thương bệnh binh thiếu giấy tờ nên chưa được xác nhận", bà Chuyền nói.

Bộ trưởng Lao động cam kết gửi số liệu cụ thể bằng văn bản đến ĐB Đương. Còn đối với nghi vấn của ĐB Thịnh, bà Chuyền đề nghị Bộ trưởng Công an giải trình thêm. Tuy nhiên, thời gian chất vấn buổi chiều không còn đủ để Bộ trưởng Công an hay Y tế đăng đàn.

C.Hoàng - X.Linh - M.Thăng