- Thảo luận dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương, vấn đề gây tranh cãi nhất vẫn là chuyện có tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở một số cấp hay không.

Cũng chính vì điểm chưa rõ này mà hơn ba chục điều khoản trong dự thảo luật để hai phương án lựa chọn, khiến ĐB rất không hài lòng.

{keywords}

ĐB Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Minh Thăng

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính.

"Các vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dự toán ngân sách của địa phương không do ĐBQH, người dân địa phương quyết định mà do đại biểu của cả thành phố quyết định sẽ không tránh khỏi thiếu sót, sâu sát với từng địa phương, thiếu tính khả thi", ông Vinh phân tích.

"Không còn giám sát của HĐND địa phương, nên cũng không tránh khỏi xa rời dân. Thực chất chính quyền địa phương chỉ còn là cơ quan hành chính của thành phố đặt tại địa phương, do vậy tính chất chính quyền của dân địa phương bị suy giảm. Chính quyền không còn của dân địa phương, không do dân địa phương, dân chủ của nhà nước bị ảnh hưởng lớn. Tính hợp pháp của các quyết định chính sách cũng bị suy giảm theo. Cuối cùng là hiệu quả của nhà nước sẽ bị giảm, dễ phát sinh tiêu cực hơn, không vì lợi ích của nhân dân địa phương".

Ông Vinh nói thêm: Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn, điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân.

ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) cũng thấy bỏ HĐND quận, phường là "không phù hợp, làm đảo lộn bộ máy hành chính, làm thay đổi các văn bản pháp luật mà không biết hiệu quả của nó như thế nào".

{keywords}

ĐB Triệu Là Pham. Ảnh: Minh Thăng

"Không còn HĐND cũng đồng nghĩa với việc nhân dân thực hiện quyền lực của nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua HĐND sẽ không được đảm bảo, chưa đúng với tinh thần Hiến pháp", ông Pham nói.

Điều phải khắc phục ở HĐND, theo ông Pham, là "tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc ít tham gia ý kiến, ít chất vấn tại kỳ họp".

"Không thể cắt bỏ HĐND một cấp, việc làm đó không đem lại lợi ích gì đáng kể cho đất nước, cho nhân dân mà chỉ gây xáo trộn hệ thống chính quyền địa phương đang ổn định, đồng thời làm mất đi chỗ dựa, mất đi công cụ chính trị quan trọng để nhân dân thông qua cơ quan đại diện của mình góp phần xây dựng bộ máy chính quyền được tốt hơn".

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) chia sẻ: Đã là chính quyền phải có đủ cả HĐND và UBND.

Ông Sơn nhận xét việc thí điểm không tổ chức HĐND là "khá kỳ lạ, diễn ra quá dài, báo cáo tổng kết bước hai": "Báo cáo gửi cho ĐBQH kỳ họp trước và báo cáo của 10 tỉnh thành thí điểm, đều khẳng định không tổ chức HĐND huyện, quận và phường là đúng, là tốt, là hay, nhưng thực tế không phải là như vậy".

"Đừng bao giờ quên HĐND là cơ quan dân cử, đại diện nhân dân, là thành quả của nền dân chủ. Tất cả các nước người ta đều làm, nước Lào trước không có HĐND, bây giờ người ta đang chuẩn bị làm HĐND, ta lại bỏ đi, đây là một điều nên băn khoăn", ông Sơn cho rằng lần này thảo luận luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng là lúc tuyên bố chấm dứt cuộc thí điểm không tổ chức HĐND và cũng không cần tổng kết gì.

Nhưng ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lại có ý kiến khác: Chúng ta tổ chức HĐND các cấp nhưng ai cũng thấy được hiệu quả rất thấp. Cử tri hỏi rằng một năm họp mấy ngày, một lần được mấy ngày thì quyết được cái gì và giám sát được gì?

"Chúng ta nên thực tế. Phải nâng quyền lên chứ không phải để tồn tại hình thức. Còn nếu như không nâng được thì không nên tổ chức hình thức", ông Lịch khẳng định Hiến pháp mở cho những điều chỉnh này.

{keywords}

ĐB Đỗ Thị Hoàng. Ảnh: XĐ

ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cũng lựa chọn phương án quận, phường không có HĐND.

"Điều đó không có nghĩa là tôi coi nhẹ vị trí, vai trò của HĐND ở các phường, các quận mà có nghĩa là ta đã chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền", bà Hoàng phân tích.

ĐB Quảng Ninh đề nghị tăng thẩm quyền trách nhiệm và số lượng đại biểu HĐND thị xã hoặc thành phố, để đảm bảo định hướng, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách vận hành và thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của UBND ở các đơn vị trực thuộc không có HĐND.

Nhìn chung, các ĐB yêu cầu nhanh chóng có kết luận việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường để lần trình sau tại kỳ họp tới, dự thảo sẽ không còn quá nhiều điều khoản có hai phương án như vậy.

Chung Hoàng