- Đánh giá tại Đối thoại Phòng chống tham nhũng lần thứ 13 sáng nay cho hay, một trong những khó khăn thu hồi tài sản tham nhũng đó là không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau.
Phát biểu mở đầu buổi Đối thoại Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 tại Hà Nội sáng nay (26/11), ông Giles Lever đặt câu hỏi mở đề tranh luận: "Có ai trong chúng ta dám nói rằng trong cuộc chiến chống tham nhũng, chúng ta sẽ chiến thắng?"
Đại sứ Giles Lever (giữa) cùng các lãnh đạo Thanh tra CP chủ trì Đối thoại PCTN 13. Ảnh: Công Khanh |
Dẫn chứng chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam), Đại sứ Anh nhận định, dù đã có cái nhìn cải thiện về công tác phòng chống tham nhũng, vẫn chỉ có 18% người dân tin rằng tham nhũng đã giảm xuống.
Nói về quyết tâm chống tham nhũng, ông Giles Lever nhận định, để “đánh chuột” mà không “vỡ bình” là một việc khó khăn.
"Đầu năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi nói về tham nhũng, đã nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'đánh chuột đừng để vỡ bình'. Tôi vô cùng tôn trọng sự khéo léo này của người VN, và tin rằng các bạn có thể tìm ra cách giết chuột mà không làm vỡ bình. Điều này đương nhiên là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, nhưng cần thiết.
Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, tôi đã làm việc của một số quốc gia mà ở đó, chuột đã được để cho lớn tới mức chúng không chỉ làm vỡ bình, mà còn ăn hết cả đồ đạc trong nhà. Giải pháp là một con mèo dữ hơn, bẫy chuột hiệu quả hơn hay thuốc chuột tốt hơn.
Nhưng dù cách nào thì bọn chuột cũng phải nhận được thông điệp rằng, nhà này không còn là nơi chúng có thể sống an toàn. Nếu không, chuột sẽ chiếm nhà và chúng ta sẽ không còn an toàn sống trong đó nữa" - Đại sứ Anh phát biểu.
Binh chủng chống tham nhũng
Theo Báo cáo của TTCP về tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2014, mặc dù giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm 2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng.
Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản được đánh giá tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn.
Do đó, việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục là những thách thức lớn đối với công tác PCTN của VN.
Đánh giá công tác PCTN ở Việt Nam dù có tiến bộ, nhưng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kết quả "chưa đạt yêu cầu đặt ra", đặc biệt là thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra còn thấp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đối thoại PCTN lần thứ 13 sáng 26/11. Ảnh: VOV |
Phó Thủ tướng đề nghị phân tích nguyên nhân của tham nhũng, cần nêu những điểm sáng quốc tế về PCTN và thu hồi tài sản để làm bài học… cho VN. Từ đó, cùng với việc hoàn thiện thể chế, VN sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn nữa Công ước LHQ về PCTN.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp phải là một thành phần trong "binh chủng chống tham nhũng', cùng với báo chí, các tổ chức phi chính phủ, đoàn thanh niên, phụ nữ, công đoàn, các hội nghề nghiệp, cơ quan hành pháp, tư pháp, địa phương, các cơ quan quốc tế...
"Đúng là có tham nhũng trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng ở VN, nhưng doanh nghiệp, người cầm tiền, là tác nhân rất lớn gây tham nhũng. Các doanh nghiệp VN phải nói không với tham nhũng, không được đưa tiền cho quan chức", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tài sản bị chuyển hóa tinh vi
Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, một trong những khó khăn thu hồi tài sản tham nhũng đó là không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau như chuyển quyền sở hữu cho người thân, thông qua hoạt động rửa tiền, mua sắm các tài sản, phương tiện có giá trị... thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài".
Ảnh: VOV |
Một khó khăn khác là văn hóa sử dụng tiền mặt nên mức độ minh bạch chưa cao.
Ngoài ra, có một số vụ việc không thể xử lý là tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội “cố ý làm trái...” hoặc tội phạm khác nên việc thu hồi tài sản không thể thực hiện được.
Theo đó, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị 3 giải pháp. Thứ nhất là thay đổi nhận thức để thấy rõ việc thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ thông qua kết án hình sự mà cần thông qua các kênh khác như kênh dân sự, kênh hành chính vì vấn đề quan trọng nhất là đánh vào và làm triệt tiêu động cơ, lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng và những người có liên quan.
Thứ hai là việc hoàn thiện pháp luật, thiết chế về thu hồi tài sản tham nhũng, cần bổ sung các quy định cụ thể của pháp luật.
Thứ ba là tăng cường nhân lực cho công tác PCTN nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.
Trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc nguyên Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền, Đại sứ Anh Giles Lever nhận định bài học lớn rút ra là cần có những thể chế và quy định chặt chẽ hơn trong quản lý đất đai và nhà ở. Một bài học quan trọng là phát huy vai trò của báo chí và các tổ chức dân sự trong việc phát hiện và ngăn chặn tham nhũng. "Có thể thấy vụ việc này được đưa ra ánh sáng nhờ những phát hiện của một tờ báo VN. Vụ việc một công ty Nhật thừa nhận hối lộ quan chức đường sắt VN, tôi được biết cũng là do báo chí Nhật phanh phui. Báo chí và tổ chức dân sự là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng, để người dân tin rằng làm sai có thể và sẽ bị phát giác, từ đó những kẻ tham nhũng sẽ không dám tham nhũng nữa", ông Giles Lever nhận định. Ông Giles Lever cũng nhấn mạnh sẽ sai lầm lớn nếu nghĩ tham nhũng ở VN là do các công ty nước ngoài gây ra cho VN. "Rất tiếc là có một số công ty nước ngoài dính líu vào tham nhũng và hối lộ ở VN. Nhưng họ và cả những công ty VN liên quan ở VN, đều là nạn nhân của tham nhũng. Họ muốn làm ăn một cách trong sạch, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh để có được giấy phép, hợp đồng hay để thuận lợi để làm ăn, họ phải đáp ứng những đòi hỏi hối lộ" - ông phát biểu. |
Chung Hoàng