- Chủ tịch nước khẳng định những vụ tham nhũng báo chí nêu liên quan cán bộ cấp cao sẽ tuần tự được giải quyết và công bố.

Nói với Chủ tịch nước cùng các ĐBQH TP.HCM tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4 chiều 2/12, ông Nguyễn Minh Ngọc ở phường 4 lật lại chuyên thời sự liên quan thu hồi nhà đất sai phạm của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền.

"Xâm phạm tài sản công tới mức độ như vậy chỉ mới là dấu hiệu bất minh về tài sản cũng chưa được quy kết là tội danh tham nhũng hay sao?" - ông hỏi.

{keywords}

Không phải 'diệt chuột' mới làm 'vỡ bình'

"Trong khi cán bộ chức vụ trách nhiệm càng cao, tài sản càng nhiều, vậy tài sản ở đâu mà có? Thu nhập chính đáng hiện nay liệu có sắm được những dinh thự nguy nga đồ sộ đó? Phải chăng việc kê và công khai tài sản của cán bộ đầu ngành có dấu hiệu không trung thực? Yêu cầu chính đáng của cử tri chúng tôi là cần gấp việc kê khai và công khai tài sản cán bộ trước và sau khi nhận nhiệm vụ, nếu tài sản đã kê và công khai nơi làm việc thì cũng nên thực hiện việc này ở nơi cư trú để nhân dân giám sát" - cử tri Minh Ngọc nhấn mạnh.

Ông cũng đặt câu hỏi về năng lực của ban chống tham nhũng ở địa phương có thực sự dám đấu tranh nếu phát hiện sai phạm. Đây mới là nút thắt gai góc không dễ gì đấu tranh khi còn ràng buộc nhau bằng quan hệ quyền lực.

Cử tri Ngọc cho rằng, chính đặc quyền đặc lợi và các mối quan hệ quyền lực mới là hình ảnh chính xác nhất của "chuột" tham nhũng, một trong những nguyên nhân gây "vỡ bình" chứ không phải "diệt chuột" mới làm "vỡ bình". Ngăn chặn và triệt tiêu "chuột" tham nhũng là giải quyết tận gốc đặc quyền đặc lợi cũng như mối quan hệ quyền lực của cán bộ đương chức đương quyền.

{keywords}

"Cái gốc của đặc quyền đặc lợi không giải quyết được thì tương lai những vụ ông Trần Văn Truyền vẫn còn tiếp tục xảy ra nhiều hơn, tinh vi hơn và táo tợn hơn nhằm thao túng lũng đoạn nhà nước và tài sản của nhân dân" - cử tri phản ánh.

Cử tri Vũ Hoàng Linh ở phường 13 dẫn con số báo chí thông tin giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm 2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng. "Tại sao thu hồi tài sản khó thế? Do pháp luật không nghiêm, hay do chưa cương quyết"?

Không phải một người riêng lẻ mà dây mơ rễ má

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh những nỗ lực của toàn Đảng, QH, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng toàn dân trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên cộng tất cả lại đến nay tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, làm lòng dân chưa yên.

"Tính chất ngày càng phức tạp trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Tham nhũng ngày càng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà dây mơ rễ má, hình thành những nhóm, những việc xâu chuỗi bao che, bảo vệ cho nhau nên mới khó. Nhưng nếu chắc chắn Đảng, Nhà nước, nhân dân quyết tâm, kiên trì bền bỉ làm ngày càng quyết liệt hơn chắc chắn sẽ đỡ" - Chủ tịch nước phát biểu.

Nêu rõ tham nhũng làm kinh tế thiệt hại, mất lòng dân, Chủ tịch nước kêu gọi cử tri, nhân dân đồng hành, tố giác tội phạm tham nhũng, khuyến khích cử tri phát hiện và tố giác vụ việc cụ thể, cung cấp thông tin có cơ sở, tăng cường giám sát của các cơ quan dân cử, nhất là ở địa phương.

Ông khẳng định lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ không bỏ qua thông tin nào của nhân dân cung cấp vì thực tiễn cho thấy nhiều thông tin quan trọng ban đầu của những vụ án lớn bắt đầu từ tin tố giác trong nhân dân.

{keywords}
Ảnh: GiảnThanh Sơn

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong chống tham nhũng.

"Những vụ việc tham nhũng báo chí đã nêu liên quan đến cán bộ cấp cao tôi xin đảm bảo rằng sẽ tuần tự giải quyết và công bố trên báo. Không có bao che nhưng không phải báo đăng là ngày hôm sau có ngay quyết định, mà phải xác minh thông tin Cũng phải đề phòng tình huống thứ hai, những ông hăng hái quá bị người ta tấn công. Đấu tranh chống tham nhũng là phải làm, những người tham nhũng phải bị trừng trị nhưng người ta lo việc nước do sự va chạm gì đó bị tấn công chúng ta phải bảo vệ họ. Hai vấn đề rất rõ ràng".

Tín nhiệm 2 mức

Quan tâm việc lấy phiếu tín nhiệm vừa diễn ra ở QH, ông Hoàng Hữu Huyện ở phường 3 nói rằng, đa số cử tri có nguyện vọng muốn lấy phiếu 2 lần trong nhiệm kỳ  và chỉ nên có 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Ngoài ra QH phải "kiên quyết" đối với những trường hợp tín nhiệm thấp, vận động chức danh đó tự giác từ chức, nếu không sẽ bỏ phiếu mãn nhiệm.

Chủ tịch nước cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm tại QH là một cơ chế giám sát quan trọng, có tác dụng nhắc nhở nếu ai thấp phải tự soi xét lại để phấn đấu tốt hơn. Ông thông báo với cử tri nghị quyết 35 sửa đổi đã mở đường cho văn hóa từ chức nếu tín nhiệm thấp.

{keywords}
Ảnh: GiảnThanh Sơn

Nêu vấn đề Biển Đông, cử tri Ngô Thị Toàn ở phường 5 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao liên quan việc TQ mở rộng xây dựng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN và mong muốn người đứng đầu Nhà nước nêu quan điểm trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước các hành động xâm phạm của TQ.

Nghe đến đây, Chủ tịch nước nhắc lại nguyên tắc chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, VN luôn chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình.

Xuân Linh - Ảnh: XĐ