Các lãnh đạo đảng, nhà nước và cơ quan tư pháp TQ sẽ xử lý trường hợp cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang thế nào?

TIN BÀI LIÊN QUAN

Tại phiên họp toàn thể hồi tháng 10, đảng cầm quyền TQ đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy các nguyên tắc pháp trị.

{keywords}
Ảnh: EPA

Chu Chí Quân, giám đốc Viện TQ thuộc Đại học Bucknell cho rằng, trường hợp của Chu sẽ là một phép thử bởi nó là đối tượng của pháp luật, chứ không đơn giản là xử lý hay kỷ luật nội bộ. “Điều tra minh bạch thế nào, quá trình xét xử tiếp theo ra sao sẽ cho biết rất nhiều về việc TQ có coi trọng thực thi nguyên tắc pháp trị hay không”, Chu nói.

Lý Tập Cân, giáo sư ngành truyền thông Đại học City (Hong Kong) cho biết, thông qua trường hợp của Chu Vĩnh Khang, ông Tập Cận Bình đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới hàng ngũ quan chức tại nhiệm hoặc về hưu rằng, vị thế và các mối quan hệ sẽ không bảo vệ họ khỏi bị xử lý nếu hành động sai trái.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu phán quyết về Chu sẽ là bước ngoặt trong trách nhiệm giải trình của chính phủ hay đơn thuần chỉ là lời cảnh báo tham nhũng.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, trước khi công bố điều tra chính thức, giới chức TQ đã gỡ bỏ dần nền tảng quyền lực của Chu Vĩnh Khang - trong công nghiệp dầu khí, tại tỉnh Tứ Xuyên (nơi Chu từng là bí thư tỉnh ủy), bộ Công an… Cách đây hơn 2 năm, Chu Vĩnh Khang từng được cho là quan chức quyền lực nhất, đáng sợ nhất trước lúc nghỉ hưu khỏi Thường vụ Bộ Chính trị TQ. Chu cũng là “con hổ" lớn nhất sa lưới tham nhũng.

Công khai, không khoan nhượng?

Cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang - vị quan chức cấp cao nhất TQ bị điều tra vì tham nhũng, đã bị bắt giữ và khai trừ khỏi đảng.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết sẽ mở cuộc điều tra chính thức với Chu. Trước khi nghỉ hưu, Chu là người đứng đầu bộ máy an ninh đồ sộ của TQ. Rất nhiều trợ lý, người thân của Chu cũng đối mặt với điều tra tham nhũng.

Kể từ khi nắm quyền lực, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào các quan chức cả cấp cao lẫn cấp thấp. Chu bị cáo buộc một số tội trạng trong đó có “vi phạm kỷ luật đảng”, “nhận hối lộ với số lượng lớn”, “tiết lộ bí mật đảng và nhà nước”, "ngoại tình với một số phụ nữ”…

Chu chưa từng xuất hiện trước công chúng hơn 1 năm nay. Các nhà phân tích nói rằng, cuộc điều tra chống lại Chu sẽ tạo điều kiện để ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực, loại bỏ những người phản đối các biện pháp cải tổ của ông đồng thời cải thiện hình ảnh của đảng cầm quyền. Chu trước đây còn là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị TQ.

Chu đưa rất nhiều người thân thuộc, trung thành vào các vị trí quyền lực trong ngành an ninh và công nghiệp dầu mỏ. TQ mất hơn một năm điều tra vụ việc của Chu có thể do tính chất nhạy cảm của vụ việc. Thậm chí, một số người cho rằng, TQ sẽ “xử kín” trường hợp này do Chu biết quá nhiều thông tin.

Thực tế Chu bị các công tố viên nhà nước điều tra đồng nghĩa là nhà chức trách đã thu thập đủ bằng chứng. Câu hỏi đặt ra là liệu Chu sẽ bị xét xử và kết án công khai như vụ việc của Bạc Hy Lai hay không.

Một quan chức TQ trước đây cho biết, vụ điều tra Chu phải mất thời gian dài để hoàn tất. Chu có quan hệ công việc gần gũi với Bạc Hy Lai - người đã bị kết án tù chung thân năm ngoái với tội nhận hối lộ. Vợ Bạc Hy Lai bị kết án tử hình treo năm 2012 do giết doanh nhân người Anh Neil Heywood. Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai đã làm rung chuyển đội ngũ “tinh hoa” TQ.

Thái An (theo Scmp, BBC)