Trung Quốc đã ngừng những tiếp xúc quân sự với Lầu Năm Góc vào đầu năm ngoái, sau khi Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,3 tỉ USD. Giờ đây, một phái đoàn quân sự Trung Quốc gồm tám tướng lĩnh đang tới thăm Mỹ, gặp gỡ với những người đồng cấp.



Ông Trần Bỉnh Đức cùng bảy vị tướng khác trong quân đội Trung Quốc đã cùng phái đoàn quân sự lần đầu tiên thăm Mỹ kể từ khi Bắc Kinh ngừng các tiếp xúc quân sự với Mỹ đầu năm ngoái. Ảnh: Reuters
Lần đầu tiên trong lịch sử, một buổi hòa nhạc của các ban nhạc quân sự hai nước được thực hiện trên đất Mỹ. Buổi hòa nhạc mà theo quan chức quân sự Mỹ là 30 năm mới có diễn ra tại Trung tâm Kennedy ở Washington.

"Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho quân đội hai nước, đặc biệt là trong trường hợp này, để cùng bắt tay nhau, bắt đầu hiểu biết nhau”, Martin Dempsey - Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ nói với báo giới trước buổi hòa nhạc.

Không có gì là bí mật khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng cùng với các tham vọng quân sự của Trung Quốc và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Hy vọng những gì được đùa vui mà gọi là “trận chiến của các ban nhạc” sẽ là một bước đi góp phần xây dựng một quan hệ đối tác “vững bền và ổn định” như Dempsey nói.

Buổi hòa nhạc là khúc dạo đầu cho chuyến thăm Mỹ diễn ra suốt tuần này của tướng Trần Bỉnh Đức - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (PLA) cùng bảy vị tướng khác. Đây là chuyến công du đầu tiên của PLA tới Mỹ kể từ khi Trung Quốc ngừng quan hệ quân sự với Lầu Năm Góc đầu năm ngoái, sau khi Mỹ nhất trí bán vũ khí cho Đài Loan.

Câu hỏi đặt ra giờ đây là, hy vọng thực sự có thể là bao nhiêu đối với các nhà lãnh đạo quân sự khi Mỹ ngày càng lo ngại về tốc độ xây dựng quân sự của Trung Quốc còn Trung Quốc thì hoài nghi trước các ý định của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trong năm qua, giới lãnh đạo Lầu Năm Góc đã bày tỏ lo lắng ngày một lớn về những đột phá trong không gian ảo và sự đầu tư mạnh mẽ vào hải quân của Trung Quốc, bao gồm cả khả năng hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên cuối năm nay.

Xu hướng này đang gây phiền hà cho các quan chức quân sự Mỹ, những người tìm kiếm nỗ lực mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Chúng tôi rất lo lắng và cố đảm bảo để không ai nghĩ rằng chúng tôi đang ra khỏi đây”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc Mike Mullen nói hồi tháng 11 trước, “vì chúng tôi không như thế”.

Các nỗ lực phô diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong một số năm gần đây đã không ít lần phát đi tín hiệu đáng báo động tới Lầu Năm Góc. Việc Trung Quốc thành công khi phóng tên lửa đạn đạo để phá hủy một trong số các vệ tinh của chính họ năm 2007 làm dấy lên quan ngại về việc quân sự hóa không gian.

Trong chuyến thăm của phái đoàn quân sự Trung Quốc lần này, lãnh đạo hai bên đang tìm cách chơi nốt nhạc hòa giải hơn, đặc biệt kể từ sau chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Mỹ tháng 1 năm nay.

Quan chức Lầu Năm Góc đặc biệt chú tâm đến việc thiết lập các đường dây thông tin với người đồng cấp của họ ở Trung Quốc, xây dựng cơ chế truyền thông giải quyết khủng hoảng cho hoạt động tại các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

Quan chức Trung Quốc thì coi các khu vực này như “những vùng biển gần” của họ - những khu vực mà họ đang “gia tăng khả năng ngăn chặn sự tiếp cận không mong muốn”, Bonnie Glaser - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết. “Họ tin rằng, các tàu thuyền thoạt động trong những vùng biển này phải có sự chấp thuận của quốc gia ven biển ở đó”, bà Glaser nói. “Mỹ lại có cách hiểu khác”.

Trong khi Lầu Năm Góc muốn có cơ chế thông tin giải quyết khủng hoảng ở các vùng biển này, thì “thái độ của Trung Quốc là ‘bạn không thuộc về nơi này, vậy tại sao chúng tôi lại phải khiến bạn cảm thấy an toàn?’”, Dean Cheng, nhà nghiên cứu chính trị và các vấn đề an ninh Trung Quốc tại Quỹ Heritage ở Washington bình luận.

Quan điểm của Mỹ là, “chúng tôi sẽ hoạt động ở đây. Tại sao chúng ta không tìm cách để những hiểu lầm không vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông Cheng nhấn mạnh. “Nếu không có sự hiểu biết được thể hiện, thái độ của Mỹ là ‘chúng tôi sẽ vẫn ở đó”.

Về phần mình, Trung Quốc muốn Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan. “Khi bạn nhìn vào tất cả vấn đề Trung Quốc đề cập - về tôn trọng và cùng có lợi - nghĩa là họ đã trở lại quan điểm ‘đừng bán vũ khí cho Đài Loan', đây là cách diễn đạt đơn giản”, ông Cheng nói.

Vì lý do này hay lý do khác, ông Cheng cho rằng: “Tôi có ấn tượng là cả phía Trung Quốc và Mỹ đều không có quá lạc quan về những tiếp xúc quân sự có thể vượt quá mức tối thiểu vì những mục tiêu ổn định”.

  • Thụy Phương (Theo csmonitor)