- Chỉ còn 3 ngày nữa, cử tri cả nước sẽ chọn ra gần 500 đại biểu Quốc hội và hơn 300.000 đại biểu HĐND các cấp. Ông Lê Truyền, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, một trong 4 ứng viên tự ứng cử ĐBQH của Hà Nội, chia sẻ trước cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay. 

>> Có thể kiểm phiếu ngay trong đêm
>> Toàn cảnh bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp

Giống như hơn 800 ứng viên ĐBQH khác, ông vừa trải qua 2 tuần tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử do MTTQ tổ chức. Ông đã nói gì để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình?

Ở 4 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, tôi đã có 8 cuộc tiếp xúc với cử tri. Các cuộc này đều diễn ra ở hội trường huyện và mong muốn của chúng ta là tránh tiếp xúc với đại cử tri nhưng thực tế thời gian không cho phép.

Ông Lê Truyền: Ý thức thể hiện quyền dân chủ của người dân trong việc bầu ra người mình tín nhiệm là quan trọng nhất. Ảnh: Hiền Anh
Một cử tri trẻ ở Ứng Hòa đã hỏi tôi: Chú nghĩ gì về tâm và lực? Bạn ấy muốn hỏi tôi về sức khỏe ở độ tuổi của tôi và điều tôi muốn làm. Tôi đã trả lời, độ tuổi với tôi không ảnh hưởng nhiều tới năng lực. Trong năm vừa rồi tôi đã viết cuốn sách hơn 500 trang, phần nào cho thấy tôi còn hết sức minh mẫn và có sức khỏe tốt. 

Và còn điều thuận hơn nữa, đó là so với lúc còn giữ cương vị do Đảng, Nhà nước giao phó (ông Truyền từng làm Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ - pv), tôi không còn cảm thấy áp lực về công việc, về các mối quan hệ mà hoàn toàn có thể tập trung suy nghĩ để làm những việc có lợi cho đất nước.

Có nhiều câu hỏi được cử tri đặt ra cho ông và các ứng viên khác không?

Tôi thực sự mong muốn được trao đổi thẳng thắn, nói được tất cả những điều tâm huyết với cử tri. Nhưng vì nhiều nguyên nhân mà số ý kiến hỏi trực tiếp với ứng cử viên rất ít. 

Cũng có ý kiến hết sức đồng tình và hoan nghênh chương trình hành động của các ứng cử viên, mong rằng các ứng cử viên trúng cử sẽ hoàn thành tốt lời hứa với cử tri. Nói thế là đúng, tuy nhiên chưa khai thác hết trí tuệ, tình cảm và trách nhiệm của ứng viên trước cử tri. 

Ở các cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, nghĩa của tranh cử vẫn chưa rõ. Với xu thế dân chủ, các ứng cử viên cần phải tranh cử theo truyền thống Việt Nam mà vẫn đảm bảo các yếu tố của tranh cử thực sự, ở đây vai trò của báo chí là rất cần thiết.

Tại một cuộc giao lưu trực tuyến của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng có nhắn nhủ cử tri nếu đã bầu cho ai thì hãy nhớ tên người đó vì thực chất cử tri đã ủy quyền cho người đó đại diện cho quyền của họ để xử lý những việc trọng đại của đất nước. Ông có chia sẻ với ý kiến này?

Tôi hoàn toàn đồng cảm với anh Sĩ Dũng.

Trước khi ra ứng cử, điều tôi nhận thức sâu sắc nhất đó là Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước ta nhưng đồng thời là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Nó thể hiện mối quan hệ giữa quyền lực của nhà nước và sự ủy quyền của nhân dân. 

Đây là vấn đề hết sức then chốt trong xây dựng nhà nước pháp quyền của  dân, do dân và vì dân. 

Làm thế nào để nhà nước được nhân dân trao quyền mà không làm mất quyền của nhân dân hay những người được trao quyền không tiếm quyền của nhân dân.

Trong những năm đổi mới, Đảng nêu rõ toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta (trong đó có Quốc hội) là xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Thực tế là, khi cử tri thấy đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trong việc ủy quyền thì mới nâng cao chất lượng của đại biểu và hoạt động của Quốc hội được. Các đại biểu cũng phải nhận thức rõ được quyền và trách nhiệm của mình khi đại diện cho nhân dân, phải hoạt động cho dân và vì dân.

Ý thức thể hiện quyền dân chủ của người dân trong việc bầu ra người mình tín nhiệm là quan trọng nhất.

Nếu được bầu, ưu tiên của ông ở nghị trường là gì?

Ngoài việc làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ, mỗi đại biểu có lựa chọn sở trường riêng để đóng góp vào hoạt động của Quốc hội cũng như đất nước. Tôi rất quan tâm đến cơ sở và các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư, đề xuất việc tạo nguồn kinh phí hoạt động và chính sách đối với cán bộ cơ sở.

Tôi muốn đặc biệt góp sức mình trong cuộc chiến chống tham nhũng và tập trung làm sao để xóa cơ chế xin - cho. Vấn đề này thực chất xuất phát từ quyền lực bị lệch chuẩn. Tức là quyền lực không còn nằm trong tay nhân dân nữa mà trong tay cá nhân hoặc một nhóm người có quyền lực nào đó.  Xin - cho hiện nay không còn mang nghĩa không mất gì, mà nó gắn với việc cho càng nhiều cá nhân, nhóm người đó càng nhận được nhiều, để đồng tiền chi phối. Điều này làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. 

Tôi khẳng định với cử tri sẽ đấu tranh tới cùng để xóa bỏ cơ chế xin - cho, làm công khai minh bạch các hoạt động của chính quyền, để làm sao thói quen nhận tiền không chính đáng mà không biết xấu hổ và tự trọng trong một bộ phận cán bộ, công chức sẽ biến mất.

Hiền Anh - Tất Đạt