- Hỏi chuyện nhanh "cây chất vấn" của HĐND TP, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội Bùi Thị An, ứng viên đại biểu Quốc hội.

>> Toàn cảnh bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp

Một đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội không phiên thảo luận hay chất vấn nào không lên tiếng nếu trở thành đại biểu Quốc hội sẽ như thế nào, thưa bà?

"Tôi thích chất vấn của các đại biểu Lê Văn Cuông, Lê Quang Bình, Nguyễn Minh Thuyết"
Đều là đại biểu dân cử, đại diện cho quyền lợi của cử tri, nhưng vào Quốc hội thì đại diện không chỉ cho cử tri Hà Nội mà là cử tri cả nước, tôi sẽ không ngừng nâng cao hiểu biết của mình để có những đóng góp xác đáng.

Kinh nghiệm hoạt động 7 năm ở HĐND TP phải nói là rất quý báu với tôi. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu chọn, chắc chắn tôi sẽ có những phát biểu thẳng thắn ở nghị trường.

Bà vừa nhắc đến kinh nghiệp quý báu ở HĐND. Đó là kinh nghiệm gì?

Tôi muốn nói đến kinh nghiệm trong việc lắng nghe ý kiến của cử tri như thế nào, từ đó phân tích, lựa chọn những vấn đề gì trình bày với lãnh đạo thành phố để giải quyết bức xúc cho dân.

Cái tâm của mình đòi hỏi phải có trách nhiệm như thế. Đã được dân tin tưởng, gửi gắm thì mình phải sắp xếp thời gian để xem tình hình thực tiễn, xem đâu là vấn đề bức xúc thật, đâu là việc cần giải quyết cho dân. Mình đã hứa thì phải làm. Tôi là dân khoa học nên muốn mọi thứ phải chuẩn, một cộng một bằng hai chứ không phải bằng bao nhiêu đấy. 

Phát biểu của bà thường rất rộng, từ chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, việc làm cho lao động có đất nông nghiệp bị thu hồi nhường chỗ cho khu công nghiệp, đô thị, cho đến chuyện cán bộ. Nguồn thông tin của bà?

Muốn phát biểu chuẩn thì phải có thông tin chuẩn. Mình tiếp cận thông tin bằng nhiều con đường, ví dụ báo chí, nhưng kênh đó chưa đủ, mình còn phải tự tìm hiểu thực tiễn. Ví dụ có những vụ việc đã được nêu lên báo chí, thì đại biểu cũng vẫn phải tìm hiểu thông tin đó. Rồi phải kiểm tra xem trong luật, điều gì dân nêu là đúng và điều gì chưa thật chuẩn. Trên cơ sở đó mình mới có ý kiến mình phát biểu trước HĐND.

7 năm ở HĐND, bà nhớ nhất lần chất vấn lãnh đạo sở nào?

Cũng có nhiều lần chất vấn ấn tượng nhưng tôi nhớ lần chất vấn về quản đại lý Internet. Khi ấy (tháng 7/2010 - PV), tôi thấy trong văn bản trả lời của Sở Thông tin - Truyền thông chỉ có kiến nghị UBND thành phố và các ngành kiểm tra xử lý những đại lý vi phạm mà không thấy đưa ra được giải pháp cụ thể nào. Tôi đã nói nếu không có biện pháp quyết liệt, rất có thể sẽ làm hỏng cả một thế hệ thanh thiếu niên hiện nay vì những game sex, game bạo lực. Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông khi trả lời còn quên cả tên tôi mà nói "chị gì lúc nãy vừa hỏi", làm cho cả hội trường cùng cười.

Các phiên chất vấn ở HĐND TP Hà Nội thường rất ngắn, có khi chỉ một buổi sáng mà có đến 3 giám đốc sở ngồi ghế nóng, chất vấn khó mà đi đến cùng được. Còn ở Quốc hội, bà có nhận xét gì về các phiên chất vấn?

Tôi cũng theo dõi hầu hết các phiên chất vấn ở Quốc hội. Tôi thích các câu hỏi của các ông Lê Văn Cuông, Lê Quang Bình, Nguyễn Minh Thuyết. Ý kiến họ đưa ra rất rõ ràng, đúng mực và chuẩn. Tôi cho rằng họ là những người biết cách khái quát vấn đề, đi thẳng vào vấn đề, không lan man mất thời gian của người khác.

  Bà Bùi Thị An ở HĐND TP Hà Nội
Thời gian chất vấn ở HĐND TP thì đúng là hơi ngắn. Nhưng các phiên chất vấn cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào trình độ đại biểu và trình độ người điều hành. 

Khi phát biểu, tốc độ nói của bà rất nhanh. Bà sẽ phát huy ở Quốc hội nếu được bầu chứ?

Đúng là tôi nói nhanh, nên đưa ra được nhiều thông tin. Nhưng tôi nghĩ nói nhanh quá thì người nghe chưa chắc đã nhận được hết thông tin mình muốn truyền tải. Cho nên có lẽ tôi sẽ rèn luyện để nói chậm lại.

Một nhà khoa học nữ vào Quốc hội có lợi gì cho cử tri?

Ngoài tư duy "chuẩn" của một nhà khoa học, tôi nghĩ phụ nữ có nhiều điều kiện tiếp xúc cuộc sống thực tế để hiểu dân, nhất là một nửa thế giới là phụ nữ. Thêm vào đó, phụ nữ không thích nhậu nhẹt (cười) nên sẽ toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghị trường. 

Hiền Anh - Tất Đạt