Nga và Triều Tiên đang xích lại gần nhau hơn khi chuẩn bị thiết lập một hội đồng kinh doanh song phương nhằm "cải thiện sự tương tác giữa các cộng đồng kinh doanh Triều Tiên và Nga". 

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Đại sứ Triều Tiên Kim Hyun-joon. Ảnh: Reuters

Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga Vladimir Strashko nói trong một cuộc họp báo gần đây về điều trên.

RIA Novosti dẫn lời ông này cho biết, hai nước sẽ "xây dựng Hội đồng Kinh doanh để tạo điều kiện hợp tác thoải mái nhất cho giới kinh doanh hai nước". 

Hãng tin tức này cũng cho hay Nga và Triều Tiên đã "đạt được nhiều tiến triển trong các vấn đề song phương phức tạp" như Triều Tiên bắt đầu cung cấp visa ra vào nhiều lần cho công dân Nga. Trong khi đó các cuộc thương thảo về một ủy ban đặc biệt phụ trách giám sát các dự án chung giữa Nga và Triều Tiên đang diễn ra.

Trước đó, Bộ Phát triển vùng Viễn Đông của Nga đã thông báo rằng, các doanh nghiệp Nga làm ăn thông qua Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên có thể thanh toán bằng đồng rúp. Hồi tháng 10/2014, bộ này cho biết, Nga đang tìm cách mở rộng trao đổi kinh tế với Bình Nhưỡng.

Trước đó, hai bên đã duy trì một mối quan hệ đặc biệt. Triều Tiên cho thuê lực lượng lao động làm việc ở Siberia với nỗ lực kiếm ngoại tệ, quân đội nước này cũng sử dụng nhiều hàng hóa và thiết bị từ thời Liên Xô. Moscow và Bình Nhưỡng gần đây đang không ngừng thúc đẩy quan hệ quân sự. 

Giới quan sát nhận định, với động thái thành lập "Hội đồng kinh doanh song phương", cả Nga và Triều Tiên đều đang lặng lẽ thực hiện chiến lược đa dạng hóa, giảm phụ thuộc phương Tây.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm 28/1 dẫn lời người phát ngôn Kremlin cho biết, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã xác nhận sẽ tham dự  lễ kỷ niệm 70 năm ngày Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 - 9/5/2015) trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, diễn ra tại Moscow vào tháng 5.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim từ khi ông nắm quyền lực năm 2011. "Khoảng 20 nguyên thủ các nước xác nhận tham dự, trong đó có Triều Tiên", Yonhap dẫn lời người phát ngôn như vậy.

Trong khi quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng ấm dần thì ngược lại, quan hệ của Triều Tiên với TQ có phần "nguội đi" nhất là từ năm 2013, khi Bình Nhưỡng bất chấp cảnh báo quốc tế và các biện pháp trừng phạt của LHQ mà tiến hành vụ thử hạt nhân lần ba.

"Không có quy tắc nào nói rằng Kim Jong Un phải tới TQ trước", Cheong Seong-chang nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, Hàn Quốc nói. "Theo phía TQ, Bình Nhưỡng cần cam kết phi hạt nhân hóa trước khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh. Điều này là khó với Kim Jong Un".

Về phần mình, Nga vẫn đang thúc đẩy các dự án cung cấp khí đốt và vận tải với Triều Tiên trong hy vọng mở rộng xuất khẩu năng lượng sang châu Á. 

Hồi đầu tháng 1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, Bình Nhưỡng có tín hiệu tích cực sau khi ông Putin mời lãnh đạo của họ tham dự lễ kỷ niệm nói trên. Cha ông Kim từng được mời tham dự sự kiện này vào năm 2005 nhưng không có mặt.

Thái An (theo businessinsider, csmonitor)