- Ngày 22/5, cử tri cả nước đi bầu cử Quốc hội khoá XIII và HĐND các
cấp nhiệm kỳ 2011- 2016. Đây là ngày hội làm chủ đất nước của nhân dân ta, để
mỗi cử tri gửi gắm niềm tin vào lá phiếu để bầu ra Nhà nước của mình và Nhà nước
đó phục vụ chính bản thân mình.
>>
Có thể kiểm phiếu ngay trong đêm
>> Toàn
cảnh bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp
Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong
điều kiện Đảng cộng sản độc tôn lãnh đạo
Chúng ta đã xác lập cơ chế đúng đắn
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhưng việc vận hành cơ chế
này sao cho khoa học, nhịp nhàng, thông suốt và có hiệu quả là cả tổng thể một
loạt vấn đề rất hệ trọng vì nó liên quan, tác động trực tiếp đến những khía cạnh
nhạy cảm, phức tạp và căn cốt nhất của thể chế, của đời sống chính trị, kinh tế,
xã hội. Vận mệnh của chế độ XHCN, tương lai của đất nước đòi hỏi phải
nhìn thẳng vào sự thật, vừa thấy được thành tựu để phát huy, vừa nhận diện thật
rõ những bất cập, những sai lầm, thiếu sót, những trở lực để hóa giải, khắc phục
với những bước đi phù hợp.
Quá trình 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng cùng yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế càng cho thấy rõ cơ cấu quyền lực cũng như cơ chế vận hành bộ máy quyền lực của đất nước hiện thời đang đứng trước những đòi hỏi mới vô cùng nóng bỏng.
Cả nước đã sẵn sàng cho ngày bầu cử. Ảnh: Duy Linh
Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng
chỉ rõ: Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm
Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo;
thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế và đời sống xã hội; giải quyết đúng mối
quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, với nhân
dân, với thị trường. Báo cáo Chính trị cũng nhấn mạnh: Nghiên cứu xây dựng, bổ
sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền
lực nhà nước đều thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống
nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực
hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Bài học cốt tử: Dân
là gốc
Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN ở nước ta.
Điều gì đã giúp cho Nhà nước ta vượt qua tất cả những thử thách cam go, tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” trong các cuộc chiến tranh cứu nước trước đây cũng như ở thời điểm “chuyển dời dâu bể” sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam phải tự đứng vững và tìm lấy con đường đi tới CNXH của mình?
Một trong những nhân tố quan trọng nhất là sự gắn bó máu thịt của toàn dân ta với Nhà nước của mình. Đó là Nhà nước do chính dân ta gây dựng nên và Nhà nước đó lại phục vụ chính dân ta. Cội nguồn mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là do Đảng ta đã kế thừa và phát huy cao độ bài học lấy dân là gốc đã được cha ông đúc kết từ nghìn xưa. Trước chúng ta sáu thế kỷ, Nguyễn Trãi đã từng viết: "Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân". Giữa thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Trên bầu trời không có gì quý́ bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân".
Ở mọi thời đại, trong mọi giai đoạn lịch sử, bài học lấy dân là gốc luôn là điều cốt tử!
Hôm nay, bài học này vẫn đang nóng bỏng tính thời sự.
Mặc dù Đảng ta luôn nêu cao bài học lấy dân là gốc, xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của chế độ ta, nhưng trên thực tế, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào thì hiện tượng hạn chế, vi phạm quyền dân chủ của người dân không phải là cá biệt, thậm chí có những nơi rất nhức nhối. Đây đó, bài học lấy dân là gốc đang trở nên mờ nhạt. Đói nghèo và nhất là bất công xã hội đang là điều u uất ở không ít nơi.
Không thể không nhận thấy rằng trong xã hội ta vẫn còn tồn tại tình trạng "mù mờ luật pháp", người dân không biết thật sự mình có quyền gì, còn không ít người trong bộ máy công quyền thì lợi dụng sự "mù mờ luật pháp" đó của người dân cũng như những khe hở của luật pháp để tự cho mình quyền hành xử sai trái. Trong xã hội mà pháp luật có vị trí tối thượng thì công dân có quyền được biết một cách công khai, rõ ràng mình có quyền gì và phải thực hiện nghĩa vụ gì. Đặc biệt, trong Nhà nước pháp quyền XHCN, hoạt động lập pháp về quyền, nghĩa vụ công dân cần hướng tới nguyên tắc quan trọng: công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm; còn trong quan hệ với công dân thì cơ quan Nhà nước, công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định.
Để xây dựng một xã hội dân chủ, để cho tư tưởng lấy dân là gốc không phải là lời nói suông, không phải là mỹ từ có tính chất tuyên truyền thì vấn đề cốt yếu là phải xây dựng, từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đó là một xã hội thượng tôn pháp luật, một xã hội mà không ai được phép đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật và mọi hoạt động của nhà nước đều nhằm mục đích cao nhất là vì hạnh phúc của nhân dân.
Đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chiến lược phát triển là sự xác định dứt khoát của Đảng và Nhà nước ta. “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn nhân lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển” là quan điểm có ý nghĩa xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước mà Đại hội XI của Đảng đã xác định.
Chặng đường một phần tư thế kỷ đầy
thách thức và sáng tạo vừa qua là minh chứng hùng hồn rằng công cuộc đổi mới do
Đảng khởi xướng và lãnh đạo không phải là một khẩu hiệu chính trị khô khan, mà
đã trở thành cây đời ăn sâu bén rễ trong lòng người. Đổi mới đang trở thành sức
mạnh lan tỏa, được nhân lên và cộng hưởng trong cộng đồng dân tộc. Khi GDP tính
theo đầu người đạt 1.168 USD, nước ta đã thoát khỏi tình trạng nước
nghèo có thu nhập thấp. Điều quan trọng là, trong khi vốn tích lũy
của ta chưa nhiều nhưng dân ta vẫn được hưởng trái ngọt đầu mùa của
công cuộc đổi mới. Quan điểm vì dân, vì chất lượng cuộc sống của các
tầng lớp nhân dân được thể hiện rất rõ ràng trong mọi quyết sách.
Chúng ta không chủ trương tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Phát triển
bền vững là hướng đi không thể khác. Việt Nam được cộng đồng quốc tế
đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong trận chiến
xóa đói giảm nghèo, giải quyết khá hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế
và bảo đảm an sinh xã hội. Đó trước hết là vì Đảng ta luôn thấm
nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc, “khoan sức dân” làm kế lâu bền. Đó là
minh chứng rõ ràng nhất của quan điểm lớn xây dựng Nhà nước của dân,
do dân, vì dân.
Phản biện xã hội ngay từ khi hoach định chính
sách
Để mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân thì vấn đề nhân dân thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước là rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện Đảng cộng sản độc tôn lãnh đạo, nếu kết hợp tốt giữa nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong hệ thống Mặt trận thì sẽ làm phong phú thêm sinh hoạt dân chủ trong xã hội, làm phong phú thêm nền dân chủ ở nước ta.
Có một thực trạng là không ít người nắm quyền lực thường dễ rơi vào tình trạng “không muốn nghe lời ngược”. Vì
thế, ngoài quy chế dân chủ ở cơ sở đang thực hiện, hiện nay việc xây dựng đề án
phản biện xã hội của MTTQ là nhằm tạo ra một cơ chế hiệu lực đối với các cấp có
quyền lực. Khi đã có một cơ chế phản biện rõ ràng thì MTTQ và các đoàn thể đủ
điều kiện để phản biện lại trước các quyết định không phù hợp, đưa ra những
chứng lý có sức thuyết phục cao. Như thế cũng có nghĩa là không phải đợi khi
chính sách đã đưa vào cuộc sống, thấy sai rồi mới phản biện.
Chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phải bao hàm cả việc xây dựng và thực hiện cơ chế phản biện xã hội. Tư tưởng dân là gốc phải bắt đầu từ việc hoạch định chính sách, tiếp đến là đề ra các biện pháp thực hiện, cuối cùng là kiểm tra, giám sát quá trình và hiệu quả thực hiện. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã nêu rõ cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước và nhấn mạnh cần hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, cần hết sức lưu ý một thực trạng nữa không kém phần nghiêm trọng là trong khi “mở rộng dân chủ” thì nhiều nơi lại kéo theo sự buông lỏng quản lý, coi thường kỷ cương, phép nước. Để khắc phục điều này, có thể thấy, một trong những nét nổi bật nhất trong phong cách lãnh đạo mới ngày càng rõ nét là việc chọn đúng những khâu, những việc trọng điểm, cần kíp nhất; thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; rồi tổ chức thực hiện kiên quyết, dứt khoát; có kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời. Điều này được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, địa bàn mà nổi bật gần đây là tại Thủ đô. Nếu không theo phong cách đó thì Hà Nội khó lòng mà xử lý dứt điểm và triệt để các vụ việc phức tạp và bức xúc. Đồng thời lãnh đạo Hà Nội cũng tỏ rõ thái độ cầu thị, lắng nghe dư luận xã hội, cân nhắc thận trọng cách thức xử lý các vấn đề nóng, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.
Cuộc đấu tranh không khoan nhượng
trước hết trong nội bộ Đảng
Chúng ta đã và đang đấu tranh quyết
liệt, nhưng tệ quan liêu, tham nhũng, thói đặc quyền đặc lợi, vô trách nhiệm, vô
cảm, sự tù đọng trong tư duy và trì trệ trong hành động... vẫn đang lộ diện như
một nguy cơ lớn kìm hãm công cuộc đổi mới. Khi đất nước phải đương đầu với nhưng
thử thách mới, trận chiến chống tham nhũng, tiêu cực càng nóng bỏng.
Đó trước hết là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng trong nội bộ Đảng. Cuộc đấu tranh này thử thách bản lĩnh của một đảng cầm quyền. Cuộc kiến tạo lớn sẽ không thể tiến bước nếu bộ máy của ta quá cồng kềnh, đủng đỉnh, nếu chúng ta không loại bỏ được những kẻ tham ô hám lợi, những kẻ vô trách nhiệm, vô cảm trước nỗi bất hạnh và đau khổ của người dân. Kết quả của cuộc đấu tranh này sẽ củng cố, khôi phục và tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Những năm qua, một loạt kẻ phạm tội
không kể ở cấp nào đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh trong một số vụ án lớn. Những
biện pháp chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực được triển khai một cách mạnh
bạo, tích cực ở một số ngành, địa phương, dù được dư luận cả nước đồng tình ủng
hộ, nhưng cũng chỉ như những chồi non mới nhú cần được tiếp tục bảo vệ, cổ vũ,
khích lệ mạnh mẽ hơn nữa để dần dần trở thành một hiện thực sống động và vững
chắc lan rộng ra nhiều vùng miền, như ánh sáng xua tan bóng tối.
Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 2011-2020 mà Đại hội XI thông qua đã xác định những biện
pháp: Hoàn thiện thể chế, luật pháp, nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ công
chức; công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức; tăng cường công tác
giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước; nâng
cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan chức năng, khuyến khích phát hiện và xử
lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Dân chủ gắn liền với kỷ
cương
Một xã hội thật sự dân chủ trên cơ sở một Nhà nước pháp quyền
XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng là tiền đề quan trọng, là nhân tố đảm bảo để
chúng ta giải phóng và phát huy những nguồn lực to lớn, sức lao động, sáng tạo
sung mãn của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì
hạnh phúc của nhân dân.
Hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo chuyển
biến mạnh về cải cách hành chính đã được Đại hội XI của Đảng xác định là một
nhiệm vụ trọng yếu và cấp thiết, trong đó tập trung xây dựng nền hành chính nhà
nước trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực,
hiệu quả. Mở rộng dân chủ không thể không gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ
cương. Một điểm mới nổi bật là Đại hội XI của Đảng chủ trương mở rộng dân chủ,
thực hiện cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng thể chế;
tăng cường đối thoại giữa Nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân.
Nhìn
lại chặng đường 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH - một cương lĩnh ra đời trong thời điểm
thử thách hết sức hiểm nghèo - chúng ta càng thấy rõ bản lĩnh, trí
tuệ, khả năng vượt khó của toàn dân tộc dưới sự chèo lái của Đảng
cộng sản Việt Nam. Chưa bao giờ thế và lực của đất nước ta mạnh như
ngày nay. Đó thực sự là một kỳ tích! Kỳ tích được làm nên trước hết từ
bài học dân là gốc!
Thế nước đang lên!
Thế nước của ta là thế nước của một quốc gia nằm ở điểm hội tụ của những nền văn minh lớn, của những luồng giao lưu quan trọng, của những mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm nhất. Vận hội là đây, thử thách cũng là đây! Đó là thế của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, có truyền thống yêu nước nồng nàn, biết hy sinh vì nghĩa lớn, biết đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Đó là thế của một đất nước tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, hướng ra biển Đông mênh mông, tài nguyên phong phú, đất đai màu mỡ... Trong cái thế đó ẩn chứa những nguồn lực dồi dào, mà nguồn lực quý báu nhất, quyết định nhất là con người Việt Nam cần cù, thông minh, quả cảm, năng động, giàu lòng nhân ái.
Trước đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới, và khi tốc độ hội nhập của đất nước ngày càng tăng lên thì toàn thể hệ thống cần được nâng cấp lên trình độ mới. Hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngày càng phụ thuộc vào sự vận hành nhịp nhàng của từng bộ phận trong toàn bộ guồng máy: từ giáo dục, đào tạo, tổ chức đến sử dụng để đất nước có một đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, trong đó có nhiều người ngày 22/5/2011 được nhân dân tín nhiệm bầu vào bộ máy nhà nước các cấp. Những “công bộc” này cần thấm nhuần tư tưởng lấy dân là gốc, làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: Những gì có lợi cho dân thì phải gắng sức làm, những gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Hồ Quang
Lợi