- Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phan Khắc Hải cho rằng, với tư cách là cơ quan chủ quản của báo Người cao tuổi, Hội Người cao tuổi nên kiểm điểm trên tinh thần hết sức nghiêm túc, không vì chuyện gì mà bao che cho báo mình, nhưng cũng không vì bị sức ép nào để làm cho tờ báo không ổn định.

Nguyên Thứ trưởng Phan Khắc Hải cho rằng, ngoài cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo, tờ báo là đối tượng đang bị xem xét trách nhiệm về những sai phạm đang được điều tra thì vai trò, thái độ ứng xử của cơ quan chủ quản tờ báo là rất quan trọng. Theo dõi vụ việc trên báo chí từ hai phía, ông luôn kỳ vọng về thái độ ứng xử của cơ quan chủ quan, mà ở đây là Hội Người cao tuổi.

Theo điều 12 luật Báo chí hiện hành, Hội phải có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi hoạt động của cơ quan báo chí, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.

{keywords}

Đề cập vai trò cơ quan chủ quản trong những tình huống như vậy, theo ông phải như thế nào?

Theo đề nghị dựa trên kết luận thanh tra đột xuất của Bộ TT&TT, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa bị đề nghị cách chức. Đây là vấn đề kỷ luật và người bị đề nghị kỷ luật là người đứng đầu tờ báo, nên khi có đề nghị, trước hết cơ quan chủ quản báo là Hội Người cao tuổi phải thực hiện quy trình xem xét, kiểm điểm những sai phạm mà Bộ TT&TT đã chỉ ra đối với báo. Xem xét, kiểm điểm cả những ưu điểm, khuyết điểm mà thanh tra Bộ chỉ ra, đúng chỗ nào, chưa đúng chỗ nào, báo hoàn toàn được quyền trình bày trước cơ quan chủ quản trên tinh thần thành khẩn, nghiêm túc.

Đó là cơ sở để cho Hội căn cứ vào đó xem xét kiểm điểm, kỷ luật hay không báo Người cao tuổi và Tổng biên tập. Nhưng việc trước hết Hội phải kiểm điểm cho ra nhẽ đã, kiểm điểm trên tinh thần hết sức nghiêm túc. Không vì chuyện gì mà bao che cho báo mình, nhưng cũng không vì bị sức ép nào để làm cho tờ báo không ổn định. 

Sau khi kiểm điểm rồi mới kết luận. Kết luận sai mức độ nào phải xử theo mức độ đó. Nếu phạm đến mức phải cách chức Tổng biên tập thì phải cách chức. Nếu sai phạm đến mức phải cách chức cũng là một bài học tạo điều kiện cho tờ báo củng cố về mặt nhân sự, củng cố về mặt tổ chức, tạo điều kiện cho tờ báo phát triển. Nếu đúng như vậy mình phải dũng cảm. Chả lẽ mình sai mà mình bao che cho nhau thì không nên, nhưng không vì thế để rồi làm cho ổn định thành không ổn định của tờ báo, không đúng với những khuyết điểm xảy ra.

Từ nhiều năm công tác cả ở vai trò người làm báo và quản lý báo chí, tôi cho rằng, báo chí không thể tránh rủi ro được. Nhưng mỗi khi rủi ro xảy ra phải hết sức bình tĩnh. Cơ quan báo chí đưa tin, viết bài phải bĩnh tĩnh xem xét lại vấn đề như thế nào; cơ quan chủ quản của tờ báo đó cũng không thể phủ nhận trách nhiệm, vai trò liên quan vì anh đẻ nó ra thì phải có trách nhiệm trước những nội dung của tờ báo và cả cơ quan quản lý báo chí cũng rần cần bình tĩnh.

Những phong bì tiền khó hiểu

Liên quan đến việc giải trình của báo Người cao tuổi, vào hồi 16h00 ngày 02/02/2015, Văn phòng Bộ TT&TT nhận được 1 phong bì mang số 18/BNCT của báo Người cao tuổi theo đường văn thư cơ quan, đóng dấu Công văn đến số 1441 ngày 2/2/2015 gửi Thứ trưởng Trương Minh Tuấn. Khi bóc bì, phát hiện có 21 tờ tiền mệnh giá 500.000đ, tổng cộng: 10.500.000đ. Văn phòng Bộ TT&TT và cán bộ liên quan đã tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc báo cáo lãnh đạo Bộ, yêu cầu báo cử người nhận lại tiền.

Cùng ngày, Cục Báo chí, Bộ TT&TT (đơn vị có ông Lưu Đình Phúc, Phó cục trưởng Cục Báo chí được cử làm Trưởng đoàn thanh tra đột xuất báo) cũng nhận được 3 phong bì do báo gửi tới, khi bóc phong bì phát hiện có tiền, gồm 1 phong bì trong có 3 triệu đồng đề gửi ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng; 1 phong bì trong có 2 triệu đồng đề gửi ông Nguyễn Thái Thiên, Phó cục trưởng và 1 phong bì trong có 2 triệu đồng đề gửi ông Vũ Đình Phúc, Phó cục trưởng. Cục Báo chí đã lập biên bản và yêu cầu báo Người cao tuổi cử người nhận lại tiền.

Quản lý nhà nước đi vào kỷ cương

Với kinh nghiệm đã trải qua ở cả góc độ người làm báo và cơ quan quản lý về báo chí, một quy trình thanh tra những sai phạm như vậy có gì đáng ngờ không, thưa ông? Khi cơ quan quản lý buộc phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra chính thức về những sai phạm thì có thể hiểu mức độ nào mà họ buộc phải dùng biện pháp cứng rắn thế?

Trong vụ việc này, việc thanh tra sai phạm bắt đầu từ đề nghị của hội Người cao tuổi về việc tặng anh Kim Quốc Hoa danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Bộ TT&TT được đề nghị tham gia hiệp y về việc khen thưởng nhưng Bộ không đồng tình do báo Người cao tuổi mà anh Kim Quốc Hoa làm Tổng biên tập có những khuyết điểm.

Tiếp đó, Hội Người cao tuổi đề nghị thanh tra làm rõ ông Kim Quốc Hoa có những khuyết điểm gì. Và Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra. Như thế có nghĩa việc thanh tra tiến hành theo yêu cầu của Hội để làm rõ những khuyết điểm nếu có. Ở vai trò cơ quan quản lý báo chí, đơn vị thanh tra của Bộ TT&TT hoàn toàn có quyền thanh tra, kể cả thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên. Đó là công việc quản lý nhà nước, người ta có quyền thanh tra.

Vấn đề thực chất là thanh tra đúng hay không, có nội dung thanh tra trong khoảng thời gian rất ngắn là ra ngay, có vấn đề có thể thanh tra năm này qua năm khác, vấn đề không phải dài hay ngắn mà vấn đề thanh tra nội dung như nào, thanh tra đó đúng hay không đúng chứ không nên nói là thanh tra quá ngắn nên chưa đúng thì cũng không nên. Hay vì đốc thúc nào đó phải thanh tra thì cũng không được.

Rủi ro hay chúng ta hiểu là những sai phạm, có thể về mặt nghiệp vụ, tác nghiệp thì xử lý mặt hành chính. Nếu sai phẩm chất đạo đức thì cũng phải xử lý phạm vi nào cho phù hợp. Nhưng nếu xử lý sai phạm liên quan bí mật quốc gia, hay xúc phạm đến tổ chức nhà nước, làm tổn hại danh dự cá nhân có thể xử lý, nặng nhất xử hình sự. Tôi luôn nghĩ rằng, xử lý báo chí là một vấn đề rất nhạy cảm. Nếu xử lý sai thì làm thui chột tính chủ động của người làm báo. Nhưng nếu anh xử lý nhẹ lại không có tính răn đe, làm cho tờ báo đó không còn tính đúng đắn trong vai trò kênh thông tin quan trọng đối với bạn đọc.

Mọi việc đều nằm đây thì mình ngồi lại với nhau, thật sự nghiêm túc, nhìn đúng từng người, từng việc mà xử lý. Cái nào xử phạt hành chính, pháp luật cũng đều phải thấu tình đạt lý để tạo điều kiện phát triển tốt hơn, quản lý nhà nước đi vào kỷ cương nề nếp hơn, không có vấn đề ai thắng ai thua ở đây cả.

Việc cơ quan an ninh điều tra tiếp nhận kết luận thanh tra và bắt đầu vào cuộc đó là vì trách nhiệm chứ họ không phải vì chuyện gì cả, không phải vì sức ép áp lực nào, mà bởi ta phải tin tưởng các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan điều tra họ luôn chuyên an ninh, theo dõi về mặt báo chí tư tưởng thì họ cũng đã đọc báo cáo của thanh tra Bộ TT&TT từ ngày 6/2 đến ngày 9/2 mới bắt đầu khởi tố. Họ có trách nhiệm nghiên cứu kết luận thanh tra của Bộ TT&TT để nhìn một cách khách quan.

Ông đánh giá thế nào về ứng xử của báo Người cao tuổi trong việc này?

Anh Kim Quốc Hoa làm báo trưởng thành trong quân đội, hậu cần, đã làm báo lâu năm rồi, anh trưởng thành từ làm báo, có những kinh nghiệm và có công. Nhưng tôi nghĩ không ai toàn bích hết. Có lúc nào đó rất dễ bị sa sẩy. Trước những kết luận sai phạm thì cần phải bình tĩnh để xem xét. Liệu trong quá trình làm báo của mình, thời trước kia tôi không nói, nhưng bây giờ trong thời gian báo Người cao tuổi, liệu có những vấn đề như thanh tra Bộ TT&TT chỉ ra như suy diễn, sai sự thật, làm lộ bí mật không?

Liệu có hay không những vi phạm, có thì có ở mức độ nào, cái này do cái kia , trong việc có mắt xích lôi kéo nhau, phải nhận một cách rất nghiêm túc, có như vậy mới tạo điều kiện cho mình có bài học để phát triển? Nếu mình không nghiêm túc nhận ra điều đó thì tôi thấy khó xử lý vấn đề này thấu tình đạt lý, nếu không nhận rõ được trách nhiệm của mình thì cũng không thể làm cho mình có thể thanh thản được.

Làm báo không phải để vui chơi

Mỗi tờ báo khi theo đuổi đấu tranh chống tiêu cực phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn trước việc đẩy lùi tiêu cực. Vì lẽ đó báo chí luôn được nhìn nhận vai trò rất lớn trong đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, cái xấu. Nhưng để theo đuổi, mỗi tờ báo cần phải quán triệt những nguyên tắc nào?

Hiện nay ta có hàng trăm cơ quan báo chí, hàng ngàn tờ báo nhưng nên nhớ mỗi tờ báo có mục đích tôn chỉ của nó. Chính xa rời tôn chỉ mục đích đó nên thông tin báo chí rất trùng lặp, anh nào cũng muốn đưa tin hết, không liên quan đến nhưng vẫn đưa tin. Vấn đề quan trọng nhất của tổng biên tập phải nắm vững tôn chỉ mục đích tờ báo của mình. Thứ hai rất quan trọng là phải nắm vững đối tượng của mình là ai chứ đừng so sánh.

Thời tôi làm báo QĐND, có lúc anh em so sánh là báo QĐND ít người đọc, không có trên sạp báo, báo này báo kia nhiều người đọc. Thủ trưởng của tôi có nói phải xác định đối tượng của mình là ai, đối tượng của mình là QĐND, phát đến các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, còn đối tượng của họ là ngoài xã hội thì khác.

Bởi vậy, người tổng biên tập phải có bản lĩnh chính trị, nắm vững mục đích tôn chỉ, đồng thời phải nắm vững đối tượng của mình. Phóng viên tiếp xúc với rất nhiều tầng lớp trong xã hội và họ nhận rất nhiều sự kiện thông tin, họ có quyền viết, nhưng tổng biên tập phải định hướng người ta viết để làm gì, có đúng tôn chỉ mục đích tờ báo hay không, có phục vụ đối tượng cho tờ báo của mình hay không, anh viết có lợi gì cho xã hội.

Ai muốn nói gì thì nói, làm báo thực chất là làm chính trị, chứ không phải làm báo để vui chơi. Một bài báo hay nhiều khi người ta lại nhắc đến tên tổng biên tập, tên tờ báo. Sai phạm người ta lại càng ít nói đến phóng viên mà nói đến tờ báo, nói đến tổng biên tập. Nên tổng biên tập phải dũng cảm, nếu có khuyết điểm thì anh phải nhận khuyết điểm, còn mình đúng thì phải trình bày một cách thấu tình đạt lý để cấp trên thấy rằng việc đó là hoàn toàn đúng.

Bị gỡ tên miền, lập facebook để phản ứng tiêu cực

Sau khi công bố kết luận thanh tra về sai phạm của báo Người cao tuổi, ngày 9/2, Bộ TT&TT nhận được 3 công văn gửi qua đường văn thư: Công văn số 37/BTV-HNCT ngày 9/2/2015 của Ban Thường vụ TƯ Hội Người cao tuổi về việc yêu cầu tạm dừng thông báo kết luận thanh tra báo Người cao tuổi, công văn số 32/CV-BNCT ngày 4/2/2015 của báo Người cao tuổi về việc kiến nghị thời gian giải trình nội dung thanh tra báo, công văn số 35/CV-BNCT ngày 9/2 của báo về việc không dự thông báo kết luận thanh tra (Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhận)

Đặc biệt, trên số báo 23 (1549) ra ngày 10/2/2015, báo Người cao tuổi đã cho đăng 3 bài viết quy chụp đoàn Thanh tra của Bộ TT&TT có nhiều sai phạm, làm trái luật trong thanh tra báo. Nội dung 3 bài viết sai sự thật, đặc biệt ở các tít bài đều có nội dung mang tính kết luận không thuộc thẩm quyền của báo.

Đáng chú ý, trong ngày 10/2, đã xuất hiện tình trạng tổ chức phát tán báo Người cao tuổi số ra ngày 10/2 tại Hội báo Xuân toàn quốc 2015. Đồng thời, xuất hiện việc đưa liên kết các bài viết liên quan báo Người cao tuổi trên Facebook và một số trang mạng, blog cá nhân nhằm lôi kéo sự ủng hộ và bình luận xuyên tạc, suy diễn.

Việc Bộ TT&TT thanh tra đột xuất và công bố kết luận thanh tra báo Người cao tuổi theo đúng trình tự, thủ tục đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận, được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Trong thời gian dài, báo đã đăng nhiều bài viết mang tính áp đặt, quy chụp, tự cho mình quyền phán xét, mặc dù những sai phạm đã được nêu cụ thể trong kết luận thanh tra nhưng báo Người cao tuổi vẫn chưa nhìn nhận sai phạm. Việc Người cao tuổi cố tình không tham dự buổi công bố kết luận thanh tra và đăng nội dung phản ứng trên số báo ra ngày 10/2 thể hiện thái độ thiếu cầu thị, thách thức, coi thường pháp luật.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tiến hành thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan áp dụng các biện pháp quản lý nhà nước cứng rắn hơn nếu báo Người cao tuổi tiếp tục có những hành động phản ứng tiêu cực, gây phức tạp tình hình.


Xuân Linh - Hồng Nhì