- Đại sứ VN tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh dành riêng cho VietNamNet cuộc phỏng vấn sau khi trình quốc thư lên Tổng thống Obama, thẳng thắn trao đổi về quan hệ hai nước ở thời điểm ý nghĩa: tròn 20 năm bình thường hoá quan hệ.
20 năm bình thường hóa quan hệ, từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện, VN và Hoa Kỳ ngày nay đã trở thành đối tác quan trọng của nhau trong khu vực. Có nhận định rằng, tuy không phải là đối tác chiến lược của VN, nhưng Hoa Kỳ lại là nước có tầm ảnh hưởng toàn cầu lớn nhất, quan hệ giữa VN với Hoa Kỳ có tầm quan trọng vượt qua cả khuôn khổ đối tác chiến lược. Đại sứ suy nghĩ thế nào về nhận định này?
Tôi hoàn toàn chia sẻ và nhất trí với ý kiến cho rằng đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ là khuôn khổ quan hệ thực sự mang tầm chiến lược. Điều này nằm ở chính các nguyên tắc điều chỉnh và nội hàm quan hệ đối tác toàn diện, mang tính chất chiến lược, toàn diện và lâu dài, dựa trên sự song trùng về lợi ích, vì lợi ích của mỗi nước và của chung khu vực.
VN đã xác lập khuôn khổ quan hệ lâu dài, là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 nước uỷ viên thường trực HĐBA LHQ. Việc Hoa Kỳ là một quốc gia có tầm ảnh hưởng hưởng toàn cầu lớn nhất, đương nhiên cũng làm cho mối quan hệ này càng có ý nghĩa.
Đại sứ Phạm Quang Vinh và gia đình buổi trình quốc thư lên Tổng thống Obama |
Để thấy rõ tính chiến lược của mối quan hệ, tôi muốn nhấn mạnh thêm mấy điểm sau. Thứ nhất, khuôn khổ đối tác toàn diện đã khẳng định các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ, trong đó, ngoài Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh việc tôn trọng thể chế chính trị và độc lập chủ quyền của nhau - tôi cho đây là cơ sở của mọi cơ sở để thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin.
Thứ hai, phạm vi và nội hàm các trụ cột hợp tác thực sự mang tính toàn diện và chiến lược sâu sắc, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, đến khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân, đến quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác.
Thứ ba, hai bên thừa nhận những sự khác biệt, bao gồm cả về vấn đề dân chủ nhân quyền, nhưng sẽ hợp tác và đối thoại một cách thẳng thắn, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Thứ tư, vượt ra khỏi khuôn khổ song phương, hai bên khẳng định tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, bao gồm ASEAN, ARF, EAS, APEC... vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Câu chuyện từ cựu thù trở thành đối tác rồi đối tác toàn diện đã khái quát mô tả một chặng đường lịch sử bốn thập kỷ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đó là một bước tiến vượt bậc mà như Ngoại trưởng John Kerry từng nói: Ngay cả người trong cuộc cũng khó mà có thể hình dung được.
Tuy nhiên, đây không phải là chặng đường bằng phẳng. Có những lúc người ta đã tưởng rằng những hội chứng chiến tranh và định kiến từ hai phía khó mà có thể vượt qua được.
Đã phải mất hai thập kỷ để bình thường hóa quan hệ và phải cần tới hai thập kỷ tiếp theo để xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Vì vậy, điều đạt được là rất quan trọng và là khuôn khổ để quan hệ hai bên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong các thập kỷ tới.
Biết mình, biết người
Nhìn từ 20 năm bình thường hóa quan hệ, theo Đại sứ, VN hiểu về Hoa Kỳ nhiều hơn hay Hoa Kỳ hiểu VN nhiều hơn? Hai bên thực sự đã hiểu nhau, nếu cắt nghĩa sự hiểu không phải trong phạm vi tầng quan hệ chính trị, ngoại giao mang tính chiến lược, mà là đất nước, từng người dân, doanh nghiệp của mỗi bên, để qua đó có thể biết được hai bên trông chờ gì từ nhau? Như nước láng giềng TQ của ta đã coi Hoa Kỳ là đối tượng nghiên cứu lớn của họ bài bản, rất hệ thống. Ông, trong vai trò Đại sứ, sẽ làm gì để Hoa Kỳ hiểu VN hơn và ngược lại?
Nói đến hiểu biết nhau, tức là để biết, hiểu và ứng xử thế nào với nhau, chắc khó có thể gói gọn được trong một câu trả lời, vì nội hàm của điều này rất rộng, đa diện, đa chiều, đa đối tượng.
Việc hai nước từ hai bán cầu xa xôi, một đang phát triển, một giàu mạnh nhất toàn cầu, lại có chế độ chính trị xã hội khác nhau, mà lại trở thành đối tác toàn diện, mang tính chiến lược và gần như vậy, thì chắc chắn là phải hiểu và biết nhau rồi.
Ở đây có yếu tố lịch sử, có vị trí chiến lược của mỗi bên, có sự song trùng về lợi ích của cả hai bên và sự tôn trọng lẫn nhau. Khuôn khổ đối tác toàn diện đã thể hiện điều đó.
Từ cựu thù để trở thành đối tác toàn diện, hai nước đã đã đạt được những bước tiến vượt bậc, kể cả vượt qua những hội chứng chiến tranh và những định kiến vốn có từ hai phía.
Đó là chặng đường lịch sử khó khăn, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, và như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry đã trao đổi: Chưa từng thấy có hai nước nào làm việc cật lực hơn, để vượt qua những khó khăn, trở thành đối tác và xác lập được quan hệ đối tác toàn diện như VN và Hoa Kỳ.
Ngoài việc xác lập những lĩnh vực hợp tác mang tính toàn diện, tôi rất chú ý đến điểm, mà như trên đã nêu, đó là: tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền của nhau và thừa nhận những khác biệt lập trường để đối thoại thẳng thắn, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Cái hiểu biết nhau ở đây là như vậy.
Thứ nữa là câu chuyện của những người dân. Hình ảnh những người cựu binh hai phía gặp nhau, gặp người dân đã chứa đựng không ít tình người cảm động. Như vậy, hiểu biết nhau có cả cấp chính sách và cả người dân hai phía.
Chắc còn nhiều điểm nữa, nhưng để trả lời câu hỏi là liệu hai bên đã hiểu nhau chưa và ai hiểu ai hơn ai, để ngắn gọn, tôi xin chia sẻ như thế này, có hiểu, nhưng còn thấu đáo thì chắc là chưa, và khó có thể khái quát hóa ai hiểu ai nhiều hay kém hơn ai.
Nó có yếu tố chính trị, rồi văn hóa, tập quán, giáo dục, lối sống, thể chế... khác biệt giữa hai bên.
Do vậy, càng mở rộng quan hệ và hợp tác, thì chắc chắn càng phải nghiên cứu nhiều hơn, bài bản và cụ thể hơn. Điều này, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa.
Như về thương mại, câu chuyện xử lý các vụ kiện chống bán phá giá rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải nắm rất kỹ càng các quy định nội luật, cung cách làm ăn của Mỹ.
Cuối cùng, để làm cho hai bên hiểu nhau hơn, tôi nhớ ngay đến câu đúc kết các thế hệ đi trước truyền lại, đó là: biết mình, biết người.
Khi mở rộng quan hệ, hợp tác, mình đến với họ và muốn họ đến với mình, thì rõ ràng càng phải cần nhiều hơn hai điều này, nhất là với những người làm công tác ngoại giao, đại diện quốc gia ở nước bạn. Lâu nay chúng ta đã làm nhiều việc để tăng cường hiểu biết giữa hai bên.
Ngoại giao bây giờ cũng phải toàn diện, từ chính trị, đến kinh tế, văn hóa, cộng đồng, và phải chủ động hội nhập. Càng mở rộng quan hệ thì càng cần phải tăng cường hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
Theo đó, càng cần phải gia tăng hơn nữa trao đổi và giao lưu, không chỉ ở cấp chính sách, mà cả giữa các doanh nghiệp, người dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước.
Xuân Linh
Tiếp: Đại sứ muốn đối thoại với kiều bào không trùng quan điểm