- Không tránh khỏi những suy nghĩ khi hợp nhất liệu có dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi”, làm mất vai trò lãnh đạo, kiểm tra của Đảng
LTS: 2015 là năm đánh dấu sự kiện lớn của đất nước – đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Đã có những dấu ấn rõ nét của những người đứng đầu, với tâm niệm hành động vì sự phát triển của địa phương và quốc gia, thể hiện ở những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội, thông qua những chương trình, đề án mang tính đột phá cũng như những trăn trở... Một trong những đề án thu hút sự chú ý của công luận thời gian qua là của tỉnh Quảng Ninh – “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.
VietNamNet trò chuyện với bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh:
Chỉ điều chuyển mà không cách chức được
Trong đề án, tỉnh kiến nghị Bộ Chính trị cho Quảng Ninh hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tuyên giáo với Sở TT&TT, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND-UBND. Vì sao tỉnh đề xuất một vấn đề tương đối mới và khá nhạy cảm như vậy?
|
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng: Chúng tôi đang suy nghĩ sẽ không chỉ dừng lại ở một số cơ quan đảng, chính quyền mà nghĩ đến việc đổi mới của cả MTTQ và các đoàn thể. Ảnh: V.Anh |
Đây không phải nội dung mới. Nó mới vì chúng ta chưa thực hiện chứ chủ trương của Trung ương về việc này thì đã có từ lâu. Từ năm 2009, Kết luận số 37 của Hội nghị TƯ 9 khóa X đã đặt ra chủ trương xây dựng ba đề án, trong đó có đề án về nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo của một số cơ quan đảng và chính quyền. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, chủ động từng bước cụ thể hóa một cách linh hoạt, sáng tạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chỉ đạo có liên quan đến nội dung này của Trung ương. Cụ thể, Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa một số chức danh tại huyện Cô Tô, như Chủ nhiệm UB Kiểm tra kiêm Chánh thanh tra cấp huyện, Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng Phòng Nội vụ. Có thể khẳng định việc nhất thể hóa chức danh ở Cô Tô đang được thực hiện tốt và có hiệu quả. Để tiến hành một bước tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp phù hợp phục vụ cho giai đoạn phát triển mới trước xu thế phát triển thực tiễn của quốc gia và quốc tế, trong năm 2014, tỉnh đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” trong toàn hệ thống chính trị, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh. Theo đó, chúng tôi phải rà soát lại tất cả tổ chức, bộ máy của cả cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cả các đơn vị sự nghiệp và cả các cấp cơ sở là chính quyền cấp xã, tổ chức tự quản ở cấp thôn, bản, khu phố.
Như vậy chúng tôi không chỉ dừng ở việc tinh giản biên chế mà gắn kết cả 3 nhiệm vụ: đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng với đổi mới tổ chức bộ máy rồi mới đến tinh giản biên chế. Trong quá trình rà soát chúng tôi thấy UB Kiểm tra với Thanh tra về cơ cấu, tổ chức bên trong gần như trùng lặp và đều có chức năng thực hiện nhiệm vụ làm rõ các sai phạm nhằm xử lí, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và kiểm soát đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị mà đội ngũ ấy có 76% là đảng viên.
Đà Nẵng tin nhất thể hóa sẽ thành công Tại hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng cuối tháng 1/2015, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cũng đề nghị TƯ cho thí điểm sáp nhập một số cơ quan đảng với cơ quan nhà nước có chức năng gần giống nhau như: Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ban Kiểm tra với thanh tra… Ông Thọ cũng bày tỏ nguyện vọng cho Đà Nẵng thực hiện thí điểm trước, nếu thành công thì nhân rộng, còn nếu không thì dừng lại. “Mà tôi tin là việc hợp nhất này thành công”, ông khẳng định. |
Cụ thể bên xử lí hành chính chỉ có thời hiệu 24 tháng kể từ ngày mắc sai phạm nhưng bên Đảng thì không có hạn định về thời gian, bất kì lúc nào phát hiện sai phạm đều phải xem xét xử lí. Như vậy, xử lý kỷ luật về Đảng nhưng không xử lí được về hành chính. Cho nên trong một số trường hợp phải sử dụng công tác cán bộ để điều chuyển về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đối tượng vi phạm chứ không xử lí kỉ luật được về mặt hành chính, không cách chức được, không hạ ngạch, hạ bậc được. Vì vậy, chúng tôi nghĩ làm thế nào để thống nhất trong quan điểm nhìn nhận, kể cả nguyên tắc, quy trình và chỉ phân công về đối tượng.
Cơ quan Tổ chức và Nội vụ đều được giao việc tham mưu về quản lí tổ chức bộ máy, cán bộ, chỉ phân công nhau về đối tượng nhưng cũng thực hiện theo hai quy trình khác nhau dẫn đến mọi thủ tục đều gấp đôi. Trong khi Ban chấp hành TƯ ban hành quyết định mới 235 về việc thống nhất quản lí biên chế là Bộ Chính trị. Như vậy có một hướng để thực hiện việc thống nhất trong quản lí đội ngũ.
Hay như cơ quan Tuyên giáo và Thông tin truyền thông; các văn phòng (tỉnh ủy, HĐND, UBND) cũng tương tự, chỉ khác nhau về quy trình. Chúng ta thống nhất lại thành một cơ quan và chỉ phân công thôi thì ít nhất tài chính, tài sản phục vụ không nhất thiết hình thành hai hệ thống khác nhau.
Chúng tôi đang suy nghĩ sẽ không chỉ dừng lại ở một số cơ quan đảng, chính quyền mà nghĩ đến việc đổi mới của cả MTTQ và các đoàn thể. Đề án của chúng tôi đang dự kiến đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu để thể chế hóa những nội dung về tổ chức bộ máy theo hướng như vậy.
Không phải cộng cơ học 2 “ông” làm 1
Khi cơ quan đảng với cơ quan chính quyền hợp nhất thành một như vậy liệu có dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, làm mất đi vai trò lãnh đạo, kiểm tra của Đảng?
Không tránh khỏi những suy nghĩ như vậy. Ngay cả chúng tôi khi xây dựng đề án cũng có suy nghĩ, “cãi nhau” và tranh luận có lúc nảy lửa xung quanh nội dung này. Nhất thể hóa cả về mặt tổ chức, nhất thể hóa cả người đứng đầu cho nên không thể không suy nghĩ về điều này.
Khoản 3 điều 4 Hiến pháp quy định rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và "chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình". Nhưng cho đến nay chưa có thể chế nào quy định rõ tổ chức đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật là gì? Hay là chỉ có tư cách cá nhân là công dân và tổ chức thì hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật thôi, còn với tư cách là đảng viên, thành viên trong tổ chức Đảng thì hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là gì thì chưa được thể chế hóa; cũng chưa thể chế hóa để cho người dân giám sát tổ chức đảng và đảng viên.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng: Cái chính là phải có cơ chế, thể chế để kiểm soát. Ảnh: V.Anh |
Vậy có lo ngại nhất thể hóa dẫn đến mất kiểm soát không? Cái chính là phải có cơ chế, thể chế để kiểm soát. Phải cụ thể hóa trong cơ chế, thể chế những nguyên tắc khi thực hiện hợp nhất, nhất thể hóa hai cơ quan, phân công rõ đối tượng chứ không phải cộng cơ học hai “ông” này với nhau. Tất nhiên, để thực hiện một cách hiệu quả trong thực tiễn phải có sự nghiên cứu. Nếu dễ thực hiện, có lẽ cả nước đã làm rồi, Trung ương đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể rồi, không phải chờ một tỉnh như Quảng Ninh đề xuất nữa. Chúng tôi thấy rất trăn trở, vì vậy chúng tôi sẽ xây dựng những tiểu đề án cụ thể cho những đề xuất này.
Việc hợp nhất cũng đồng nghĩa với số lượng các cơ quan, tổ chức sẽ giảm đi, biên chế vì thế cũng giảm rất nhiều. Như thế sẽ đụng chạm đến chính “nồi cơm” của không ít người. Tỉnh giải quyết bài toán này như thế nào?
Chúng tôi không đặt riêng vấn đề tinh giản biên chế, không đặt riêng một nhiệm vụ độc lập mà đặt trong một giải pháp tổng thể, thống nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng rồi mới thực hiện tinh giản bộ máy và biên chế. Như vậy có ba vế, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực hiệu quả của các cơ quan quản lí nhà nước và chúng tôi còn có mong muốn tách các dịch vụ công khỏi chức năng quản lí nhà nước. Đổi mới tổ chức bộ máy của chúng tôi không chỉ có đổi mới tổ chức bộ máy của cơ quan đảng, cơ quan chính quyền mà cả các tổ chức đoàn thể chính trị và tới đây còn cả việc liên quan đến hệ thống các đơn vị sự nghiệp công.
Tức là chúng tôi thực hiện tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lí nhà nước và đề xuất các cơ chế chính sách để làm sao tiến tới sự công bằng trong cung ứng dịch vụ công và dịch vụ ngoài công nhằm thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội, để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia cung ứng các dịch vụ công ấy, tạo việc làm cho xã hội, khích lệ mỗi người trong xã hội tham gia một cách tích cực và chủ động vào quá trình phát triển của đất nước.
Như vậy mục tiêu không chỉ là tinh giản biên chế. Có nghĩa là nếu muốn giảm áp lực biên chế trong cơ quan nhà nước thì phải tạo ra nhiều vị trí việc làm ngoài xã hội. Có thể thấy, song song với tinh giản biên chế, chúng tôi cũng đưa ra những giải pháp tạo điều kiện cho nhân dân và khu vực tư tham gia và hưởng lợi từ việc cung ứng các dịch vụ công. Khi nhà nước giữ vai trò tạo lập môi trường để nhân dân tin cập góp sức, góp của, góp trí tuệ để phát triển các dịch vụ công thì đương nhiên sẽ tạo ra rất nhiều vị trí việc làm và như vậy sẽ không còn áp lực về giải quyết công ăn việc làm nữa.
Chúng tôi có quy trình xây dựng đề án này từ dưới lên và có sự tham gia góp ý của cả người dân và những người chịu tác động từ đề án này và nhận được sự đồng thuận rất cao. Do đó, nếu các giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ và những nút thắt được tháo gỡ như tôi đã nói ở trên thì tôi tin tưởng rằng không những nhận được đồng thuận mà còn thu hút được sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn xã hội.
Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm
Nếu thực hiện đề án này đến nơi đến chốn, tỉnh sẽ tinh giản được bao nhiêu biên chế cũng như ngân sách nhà nước?
Tổng cộng toàn tỉnh sau khi thực hiện giảm: 101 phòng, ban, đơn vị; ngoài ra thực hiện sắp xếp giảm 6 trường, 137 điểm trường và 565 lớp. Tinh giản 15% biên chế so với định mức; 1.164 những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; không thực hiện chi trả phụ cấp thường xuyên cho trưởng, phó các đoàn thể ở thôn, bản, khu phố là 17.697.
Nhóm liên quan đến biên chế của các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế, văn hóa thì giảm 10%, còn chuyển một loạt các đơn vị sự nghiệp kinh tế sang mô hình doanh nghiệp không hưởng lương từ ngân sách. Một số khác chúng tôi sử dụng phương thức hợp tác công tư để tiếp tục cung ứng các dịch vụ xã hội.
Về ngân sách, ngay năm 2015, chúng tôi đã nhìn thấy việc tiết kiệm 268 tỷ đồng/năm từ lương và phụ cấp không phải chi nữa. Ngoài ra còn tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng từ cơ sở vật chất do sáp nhập các tổ chức và từ việc thôi đầu tư cho những tổ chức không thành lập nữa.
Phương Nguyên