- Khi tuyển công chức, Nhật Bản coi trọng phần phỏng vấn trực tiếp ứng viên.


Chủ tịch Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực khu vực công Nhật Bản Kikuchi Atsuko đã chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo về tổ chức thi tuyển tập trung ở Nhật, do Bộ Nội vụ và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 19-20/3 tại Hà Nội.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Theo bà Kikuchi Atsuko, hình thức thi tuyển qua thời gian đã được cải tiến, đây là công cụ hữu dụng cho nền công vụ. Qua thi tuyển công khai sẽ chọn ra được những người xuất sắc và tạo dựng được nền hành chính minh bạch, công bằng.

Ứng viên dự tuyển là những người mới tốt nghiệp đại học, cao học. Khi trúng tuyển họ sẽ được luân chuyển qua nhiều công việc khác nhau để có thể phát triển bản thân. Nguồn nhân lực trẻ này ban đầu có thể chỉ làm một công việc lặp đi lặp lại, nhưng đến năm thứ 2, thứ 3 họ được chuyển qua bộ phận về xây dựng, lập kế hoạch, điều phối phòng ban, biệt phái sang các bộ phận khác. Thậm chí họ còn được tạo cơ hội đi du học nước ngoài.

Người thi tuyển có thể thi tại 2 cấp là quốc gia và địa phương khi lịch thi không trùng nhau.

Nội dung thi công chức tại Nhật Bản gồm 2 phần: Phần thi viết đánh giá kiến thức và phần phỏng vấn trực tiếp ứng viên.

Theo bà Kikuchi Atsuko, khi phỏng vấn, ta sẽ thấy được tính cách, tư duy, khả năng tương tác ứng viên, qua đó có thể đánh giá được năng lực của người đó.

Theo GS Sugimoto Yoshiteru, chuyên gia của Viện đào tạo hành chính công, cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản, cơ chế công bằng, minh bạch tại vòng phỏng vấn cũng được thể hiện rõ. "Nếu giám thị và người dự tuyển chỉ cần biết mặt nhau mà không cần biết có quen thân hay không thì giám thị đó sẽ được luân chuyển sang nơi phỏng vấn khác".

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng cho biết, chính những "mối quan hệ" trong quá trình thi tuyển, gây sức ép cho hội đồng thi làm mất sự tin tưởng về khách quan công bằng và minh bạch. Thêm nữa, nếu lấy người hạn chế về năng lực, những người do nể nang quen thân không đáp ứng được yêu cầu thì hậu quả đầu tiên chính là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

"Bị sức ép rất khổ tâm, lấy được những người làm được việc là sung sướng, tự hào", ông nói.

Hồng Nhì