- Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU 132) tổ chức tại Hà Nội từ 28/3- 1/4 lấy chủ đề là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, chủ nhà của IPU-132, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại họp báo quốc tế chiều nay (26/3): "Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao VN kể từ khi VN trở thành thành viên chính thức của IPU. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử - ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng của Quốc hội VN và của đất nước chúng ta, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".

{keywords}
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại họp báo. Ảnh: VOV

Chủ tịch IPU, ông Saber Chowdhury, cũng bày tỏ kỳ vọng vào Đại hội đồng lần này: "IPU là tổ chức nghị viện thế giới, các nghị sĩ sát gần nhau để chia sẻ kinh nghiệm. Hòa bình và phát triển là mục tiêu quan trọng đối vơi IPU. Do đó, con đường duy nhất là khuyến khích đối thoại và tạo diễn đàn để đối thoại".

Đánh giá về nước chủ nhà VN, ông Chowdhury nhấn mạnh: “Điều quan trọng đối với Việt Nam là triển khai các nội dung IPU ở cấp quốc gia. Việt Nam đã làm tốt nhưng quan trọng là tiếp tục triển khai các Nghị quyết của IPU. Độc lập, lãnh thổ là vấn đề quan trọng. Mối quan hệ giữa các Chính phủ, Quốc hội rất quan trọng. Do đó, các nghị sĩ và quan chức chính phủ phải hợp tác hài hòa, tạo ra luật pháp, chính sách. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ là mô hình mẫu về sự hợp tác tốt giữa Chính phủ và Quốc hội”.

Chủ tịch IPU cũng đánh giá cao tính chủ động của nước chủ nhà: "Tôi tin tưởng vào đóng góp của VN trong tương lai, không chỉ dừng lại ở sự đóng góp của các nghị sĩ mà còn là của phụ nữ, thanh niên tham gia. Luôn hy vọng sự tham gia chặt chẽ của Quốc hội VN vào IPU để bàn về các vấn đề như biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai…. Quốc hội VN năng động và phối hợp ngày càng chặt chẽ với IPU góp phần mang lại lợi ích cho các bên”.

Chương trình nghị sự của IPU 132 bao gồm đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và thảo luận đề ra những Mục tiêu Phát triển bền vững cho giai đoạn sau 2015; thảo luận vai trò của nghị viện trong các lĩnh vực an ninh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên Hợp Quốc, chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, HIV/AIDS...

Riêng về vấn đề hòa bình, an ninh và chủ quyền trong chương trình nghị sự lần này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ đây là những nội dung được IPU quan tâm ngay từ khi thành lập.

"IPU cũng như Quốc hội VN luôn nỗ lực cho hòa bình cho nhân loại, bình đẳng, bác ái và tôn trọng quyền con người, bảo vệ quyền con người, quyền tự do. Muốn thế giới đoàn kết, hòa bình, phát triển để cùng chia sẻ, trước hết là phải tôn trọng chủ quyền, đoàn kết trên tinh thần tin cậy... góp phần thúc đẩy đi tới thành công", ông Nguyễn Sinh Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội VN tin tưởng IPU 132 sẽ thành công với việc ra Tuyên bố Hà Nội, góp phần biến chương trình nghị sự trên thành hành động thực tiễn.

Chung Hoàng