- Cách đây khoảng 3 tháng, TS Trần Đức Anh Sơn, người  gắn bó với cuộc triển lãm về bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ngay từ những ngày đầu, nhận được một tin nhắn của người bạn trên “phây” (facebook) cùng với câu hỏi: “Anh Sơn đã có tư liệu này chưa?”.

>> Đem triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa đi Mỹ

Gắn bó với cuộc hành trình lâu dài đầy ý nghĩa này, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng Trần Đức Anh Sơn  chia sẻ, do thường xuyên đăng tải các bài viết, thông tin về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của VN qua blog, facebook của mình, ông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè.

{keywords}
TS Trần Đức Anh Sơn

Cách đây khoảng 3 tháng, trên facebook của ông bỗng nhiên nhận một tin nhắn mà ông không biết là ai bởi trong danh sách bạn bè có tới 5.000 người, chưa kể số lượng người “theo dõi” (follow).

Họ đã chụp bức thư chia buồn của Đô đốc Trần Văn Chơn - Tư lệnh Hải quân VN Cộng hòa gửi bà Lê Kim Chiêu, thân nhân của Đại úy Hải quân Huỳnh Duy Thạch, người đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 cùng với câu hỏi: “Anh Sơn đã có tư liệu này chưa?”.

{keywords}
Bức thư của Đô đốc Trần Văn Chơn

Ngạc nhiên khi nhìn thấy lần đầu, ông nói "chưa có" và vui mừng cám ơn người bạn này. Sau khi được hội đồng thẩm định cho ý kiến và quyết định, bức thư đã được trưng bày tại Bến Tre và Quân khu 3.

Ông nhớ lại, khi tổ chức cuộc triển lãm tại Quân khu 3, lúc ăn trưa, ông ngồi cạnh một vị đại tá của Tổng cục An ninh.

Trong khi trò chuyện, Đại tá nói: “Tôi có xem bức thư của Tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng hòa gửi thân nhân người lính hải quân chết trong trận Hoàng Sa mà các anh trưng bày trong triển lãm này. Rất cảm động. Họ không chỉ gửi giấy báo tử mà đích thân Tư lệnh Hải quân còn viết thư chia buồn với thân nhân liệt sĩ. Hay thật đấy! Các anh kiếm đâu ra tư liệu quý quá”.

{keywords}
Tư liệu quý về chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 

“Tư liệu do bạn bè gửi tặng cho tôi qua facebook. Ngoài tư liệu này, thỉnh thoảng tôi cũng nhận được hình ảnh, bản đồ và những ảnh chụp tư liệu thành văn khác do đồng bào trong và ngoài nước gửi qua facebook, email và đường bưu điện”, ông Sơn trả lời.

Câu chuyện về việc được tặng bức thư, rồi bức thư được đưa ra trưng bày và cảm xúc của người xem lại được ông Sơn chia sẻ trên trang mạng xã hội của mình.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, ngay lập tức lại có một người gửi mail cho ông và bảo: “Em chính là con trai của người trong bức thư đấy (con trai của Đại úy Huỳnh Duy Thạch),  em đang ở bên Mỹ và có bản gốc. Nếu anh cần thì em cho, mà em cho nhiều chứ không phải một vài cái”.

{keywords}
Tư liệu chủ quyền đến với Thanh Hóa hôm nay

Ngay sau đó, người này đã gửi file scan trực tiếp lá thư cùng nhiều tài liệu liên quan khác cho ông.

“Hội đồng thẩm định đánh giá những tài liệu này là rất quý. Bản tư liệu chứng minh VN Cộng hòa là một thực thể nhà nước của các nhà nước VN từ trước đến nay, thực thi chủ quyền và đấu tranh sinh tử để bảo vệ chủ quyền”, ông Sơn nói.

Ông còn cho biết, người này cho thì tiếp tục lại có người khác cho  nhiều sách, bản đồ, thư tịch cổ, các bài nghiên cứu…cũng đã được gửi về.

Bức thư này cũng đang là một phần tư liệu nằm trong số nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của VN - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ TT&TT phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức hôm nay.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đến dự triển lãm trao tặng tư liệu cho Thanh Hóa

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền

Tại cuộc triển lãm, các bản đồ và tư liệu trưng bày là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Các tư liệu cho thấy, các nhà nước VN từ thời phong kiến đến thời kỳ XHCN ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ VN.

Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của VN và các nước, đặc biệt là những tư liệu bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở VN và nhiều nước trên thế giới.

{keywords}
Đông đảo khách đến dự triển lãm

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cho hay Thanh Hóa là địa phương có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá độc đáo. Suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, xứ Thanh là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi... cùng với những trang lịch sử oai hùng.

Là một trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có biển, đứng trước tình hình biển, đảo phức tạp hiện nay, đòi hỏi các ngành, các cấp, nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm thực hiện chiến lược phát triển biển đảo và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của VN.

{keywords}
Học sinh Thanh Hóa xem tư liệu chủ quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cũng mong muốn cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Toàn bộ tư liệu và bản đồ cũng đã được Bộ TT&TT trao tặng tỉnh Thanh Hóa.

{keywords}
Nguồn tư liệu phục vụ giảng dạy về lịch sử chủ quyền

Bài và ảnh: Hồng Nhì