- Nhiều ĐB cho rằng, chỉ cần ghi âm, ghi hình những vụ án phức tạp với khung hình phạt từ chung thân đến tử hình. Nếu tất cả các cuộc hỏi cung đều ghi âm, ghi hình thì sẽ rất phiền phức và tốn kém tiền của nhà nước.
Thảo luận tại tổ về dự án bộ luật Tố tụng hình sự chiều nay, Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho rằng có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề người bị bắt có quyền im lặng.
Ông đồng tình với luận điểm: người bị bắt có quyền im lặng, có quyền không đưa ra những lời khai chống lại chính mình. Tuy nhiên, việc này sẽ làm khó cho cơ quan điều tra bởi việc truy xét, mở rộng trong bất kỳ một vụ án nào đều rất quan trọng.
Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thảo luận về quyền bị can được ghi chép tài liệu và việc ghi âm, chụp hình tại các cuộc hỏi cung, ông Chung nói quy định này không phù hợp với thực tiễn.
Từ thực tiễn làm điều tra nhiều năm, ông cho rằng, việc tổ chức ghi
lời khai bị can, bị cáo chỉ là một chứng cứ buộc tội. Ngoài việc trả lời câu hỏi
của các điều tra viên, kết thúc buổi thẩm vấn, bị can bị cáo đều được đọc lại và
chỉ ký vào biên bản lấy lời khai khi thừa nhận lời khai của mình là đúng và
khách quan. Nếu đồng ý cho bị can, bị cáo ghi chép, vô hình trung sẽ làm trái
với luật tạm giữ.
"Cá nhân tôi cho rằng việc bắt buộc ghi âm ghi hình trong các buổi lấy lời khai
là không phù hợp với thực tế. Một vụ án có ít nhất 8 bản cung; có những vụ án
phải lấy lời khai đến 60-70 lần. Nếu cứ thế thì băng ghi âm để đâu, kho đâu mà
chứa. Nói chung là sẽ rất tốn kém tiền nhà nước. Theo tôi, chỉ nên ghi âm, chụp
hình một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng có mức án từ chung thân đến tử hình mà
thôi" - Giám đốc Công an TP Hà Nội bày tỏ.
XEM CLIP:
Đồng quan điểm, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến (Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) nêu chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình ở các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Theo ông, có nhiều người hiểu mục đích của hoạt động ghi âm ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nhằm chống bức cung, nhục hình; đảm bảo hoạt động xét hỏi bị can diễn ra khách quan. Tuy nhiên, hiện nay, trong các cơ sở giam giữ, buồng hỏi cung đều có camera để giám sát.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng không đồng tình với việc ghi âm, chụp hình các cuộc hỏi cung. Ông phân tích, bức cung, nhục hình chỉ xảy ra đối với những người bị tạm giữ, tạm giam. Nhà hỏi cung đã có ghi hình giám sát việc đó rồi. 60% bây giờ là phạm pháp quả tang vậy thì ghi âm, ghi hình làm gì nữa. Nếu là điều tra viên thì chẳng dại gì người ta ghi âm lúc đó bức cung, nhục hình cả. Đưa quy định này vào rất nguy hiểm, tốn kém, tạo thủ tục không cần thiết.Phải làm quen việc bị cáo im lặng
|
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo bà Nga, việc bắt buộc ghi âm, ghi hình bị can khi hỏi cung sẽ giải quyết minh bạch quá trình lấy lời khai. Hiện nay, không phải cuộc lấy lời khai nào cũng có kiểm sát viên. Nhiều vụ án, trong giai đoạn lấy lời khai ban đầu, chỉ có cán bộ hỏi cung và người bị tạm giữ. Nếu không ghi âm, chụp hình, sau này ra toà, bị cáo tố bị bức cung, nhục hình thì Cơ quan điều tra lấy gì để chứng minh và phủ nhận?
Cùng chung băn khoăn như Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, ĐB Lê Thị Nga cho rằng hiện nay việc triển khai ghi âm, ghi hình sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Bà đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vấn đề bảo quản tư liệu ghi âm, ghi hình như thế nào; quy định người được phép khai thác tư liệu này ra sao; chi phí cho việc mua mới và bảo quản thiết bị này như nào ?
Cho ý kiến về nội dung người bị bắt, bị tạm giữ, bị can bị cáo được quyền im lặng, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng: Trong thực tiễn có nhiều vụ án dùng lời khai để kết tội. Tại toà, bị can chối tội, chứng cứ không còn khiến một số bản án đi vào ngõ cụt. Một số nơi vì quá phụ thuộc lời nhận tội của bị can nên Cơ quan điều tra không tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ. Các cơ quan tố tụng phải tạp làm quen với việc bị cáo im lặng, tránh việc bức cung, nhục hình ép buộc bị cáo phải nhận tội.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng tán thành việc yêu cầu bắt buộc phải ghi âm đối với các cuộc hỏi cung. Theo đó, việc ghi âm, ghi hình là yêu cầu bắt buộc; đừng đổ lỗi cho việc khó khăn về kinh tế, bảo quản mà trì hoãn việc này.
H.Sang - T.Lý - H.Nhì - T.Hạnh - X.Quý