- Câu hỏi do Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra khi cho ý kiến về việc thu phí bảo trì đường bộ tại phiên thảo luận tổ về dự án luật Phí, lệ phí sáng nay.

Theo nhiều ĐBQH, việc thu phí bảo trì đường bộ làm tác động đến hoạt động quản lý nhà nước, đến đại bộ phận người dân. Nói như ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), “phí thu không nhiều nhưng có khi làm 'đẻ' ra cả một bộ máy hoặc kiêm nhiệm”.

{keywords}
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Một ví dụ cũng được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ: "Người dân sắm cái xe chỉ để đi chợ thôi. Và họ đi đúng trên con đường họ tự bỏ tiền ra làm. Tiền làm đường này hoàn toàn do dân đóng góp thì làm sao phải đóng phí?”.

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) chỉ ra thực tế, hiện nay các tuyến đường đều được xây dựng theo hình thức BOT nên những người sống trong vùng BOT phải “gánh” rất nhiều loại phí.

“Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là bị phí. Như thế không phí chồng phí thì còn là gì nữa. Chúng ta cần nghiên cứu lấy tiền nhà nước trả cho BOT, chứ nếu không người dân sống ở vùng BOT khổ lắm. Bộ GTVT nói không chồng phí, còn tôi thì khẳng định đó là phí chồng phí”, ông Khanh lên tiếng.

Giao HĐND quyết định thu phí

Nhiều ĐBQH cho rằng cần phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc thu phí, lệ phí chứ không để Trung ương quy định hết như hiện nay.

{keywords}
ĐB Bùi Đức Thụ. Ảnh: Minh Thăng

Theo ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), đứng ở góc độ nào đó, dự thảo luật Phí, lệ phí không khác nào một luật thuế nên cần rà soát, quy định chi tiết.

Ông đề nghị “QH chỉ nên quản một góc nhỏ thôi, nên giao cho UBTVQH rồi phân cấp cho địa phương với những khoản nhỏ”.

ĐB Ngô Văn Minh cũng kiến nghị giao cho HĐND có thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí.

“Nên giao một số khung chính của Chính phủ cho HĐND và HĐND sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

Đồng tình quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, nếu mở ra một cơ chế luật định để HĐND làm thì sẽ thể hiện sự dân chủ trực tiếp, họ cũng không dám tùy tiện do đã có sự giám sát của Mặt trận và các đoàn thể.

Còn theo ĐB Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, luật Phí và lệ phí tác động rất lớn đến người dân nên cần lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi. Đặc biệt đã là luật thì không nên có câu quét “trong trường hợp đặc biệt”.

“Ngành nào cũng có câu quét áng chừng, rồi sau này lại bổ ra thu của dân là không hợp lý”, ông Quyến nhấn mạnh.


Minh bạch quỹ ngoài ngân sách

Trao đổi với VietNamNet bên hành lang QH, ĐB Bùi Đức Thụ nêu thực tế, ngoài những phí đã được quy định, hiện người dân phải đóng góp rất nhiều quỹ, có khoản tự nguyện thật, có khoản “tự nguyện trong nháy nháy" dẫn đến quyền và nghĩa vụ của người dân nộp phải nộp lớn hơn quy định nhiều. Trong khi luật quản lý sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là chưa có.

Tình trạng này dẫn đến hiện tượng mọc lên nhiều quy định, huy động dân nhiều hơn do điều lệ quy định tự quản lý tự chi tiêu nhà nước không kiểm soát.

“Cần luật hoá để đảm bảo minh bạch về quyền, nghĩa vụ công dân trong khâu thu nộp và mức nộp phải hợp lý trong tổng tái phân phối đối với người dân. Và quản lý cũng phải chỉn chu, tránh tình trạng lợi dụng, tuỳ tiện đến khi thanh tra, kiểm tra không có cơ sở pháp lý để xử lý”, ông Thụ nói.

H.Nhì - T.Hạnh - H.Sang